Tôi đã nhận được thư của anh, tôi định sẽ lên gặp anh nhưng vì hoàn cảnh không sao đi được nên phải viết thư để phúc đáp mấy điều anh đã dành cho tôi về truyện Gia tài người mẹ nhân tôi có ý định cho in ra thành sách.
Những ý kiến anh đưa ra để khuyên tôi không nên in cũng có điều đúng, nhưng cũng có điều sai, tôi cho điều đó không thể trách anh được vì anh không ở hoàn cảnh của tôi, hoàn cảnh của một người viết văn trong lúc này, hoàn cảnh của một người chỉ có cây bút trên tay mình và ý muốn dâng hiến được cho đời sống một chút cố gắng như mọi người. Cố gắng của tôi là ghi lại những gì đã thấy, đã cảm, đã nghĩ. Tôi viết ra những điều đó và gửi tới người cùng thời. Những điều đó có khi được viết ra rõ ràng cũng có khi nó nằm ở giữa hai hàng chữ mà người đọc có thể thấy hoặc không.
Nguyên Gia tài người mẹ không như vậy. Tôi viết câu truyện rất giản dị: kể truyện một gia đình có một bà mẹ, mấy đứa con, đứa cháu, người làm ở trong một hoàn cảnh đặc biệt với thời gian là những năm cách đây ít lâu sau những biến động lịch sử. Tôi muốn mô tả đời sống của bà mẹ, các con và cháu; nói lên những suy nghĩ, tâm sự, hy vọng của họ. Tôi cũng như anh, những người mới hơn hai mươi tuổi, trong hơn hai mươi năm trời ấy chúng ta đã sống như thế nào trong hoàn cảnh của lịch sử mà dân tộc ta đã trải qua từ nô lệ, cách mạng, tương tranh, chia cắt… cả một cơn lốc bi thảm đã xoáy lấy cuộc sống với lửa đạn, đói khát, chết chóc… Có bao nhiêu điều phải nói ra, viết ra mà chừng như cây bút trên tay đã thành bất lực…
Với Gia tài người mẹ tôi dựng lên một sân khấu trống trải, vài ba chiếc ghế cũ kỹ, một tấm màn trắng phía trong cho những nhân vật ngồi đó tâm sự với chính mình, hồi tưởng lại quá khứ, nhìn thực tại đang sống để thu nhặt hành lý cất bước tìm lấy cuộc sống trong tương lai. Những êm ấm, vui tươi, đau khổ uất ức, băn khoăn, tủi nhục, hoài vọng, ước mơ… được bày tỏ. Họ đã gặp nhau trong một thực tại: căn nhà của bà mẹ – ở đó có những người đã chết, đã đi xa, đang hấp hối, những người còn sống, với một quá khứ nặng nề và một thực tại đang bị vây phủ đe dọa sự sống còn – có một hình bóng tương lai đã lên đường – còn thì mọi người vẫn đứng ngồi trong bóng tối của căn nhà và chung quanh họ một đám đông lạ mặt đang tràn đến vây quanh. Gia tài người mẹ dừng lại ở đó. Rồi họ sẽ ra sao? Câu hỏi anh nêu ra tùy ý anh trả lời, tùy ý mọi người trả lời và chính tôi cũng tự cho mình đứng ở vị trí anh, vị trí mọi người mà hỏi: Rồi họ sẽ ra sao?
Sao lại viết những điều ấy ra cho mệt mình, mệt người. Sao không viết những gì vui tươi êm ấm hạnh phúc. Tôi cũng nghĩ như anh, nhưng tôi không thể làm khác vì thế câu truyện viết về những người khác đã trở thành tâm sự của chính mình, những nhân vật đã bị tước đoạt mặt mũi để trở thành hình nộm trên sân khấu cuộc sống. Gia tài người mẹ không còn là câu truyện của người khác nữa, nó đã trở thành những trang tâm bút của tôi. Bản văn mang ra đăng tải đã biến dạng. Câu truyện thực của đời sống được kể thành truyện, từ truyện được mang lên sân khấu và từ sân khấu câu truyện được viết thành bản văn anh đọc, nó đã bị toát lược gần như đến mức cuối cùng. Gia tài người mẹ không hẳn là tiểu thuyết. Tôi mượn một thứ hình thức để viết ra những điều cần phải viết. Tôi không hài lòng với chính nó nhất là về hình thức tôi phải chịu đựng và sự tối tăm tôi phải sử dụng, nhưng tôi thấy nhẹ nhõm đi đôi chút vì đã viết ra được ít điều mà mình vẫn hằng mang nặng trong tâm khảm. Và đó là lý do để tôi in nó ra và gửi nó đến người cùng thời…
Sài Gòn tháng 8 năm 1963