Trời trắng đục nhả mưa không ngớt. Làn nước tuôn xuống bị gió bấc cuốn tròn lại thành những chiếc chiếu bạc dựng đứng, vặn lưng nghiêng ngả, nối nhau lướt qua xóm.
Mỗi lần một cột mưa như thế giẫm ngàn chân ràn rạt trên mái nhà bếp, má Bảy lại ngửng đầu xem nó đi đâu. Nó múa tròn trên cái sân nhão ngập một lớp nước rỗ hoa, hất nhào lộn những tàu lá chuối rách, túm lấy tấm bảng khẩu hiệu bằng tôn đã long đinh mà đập thình thình vào cái cổng chào gỗ. Nó quét đuôi qua rặng tre cuối vườn, chạy hun hút về phía dãy đồi hoang ven sông Nhỡn. Hình như mưa gió cố ý tuôn về phía ấy.
Má Bảy thở nhẹ một cái, bồn chồn và thoáng mừng. Rồi má cúi xuống cạy nốt những hạt dầu lai đã đập nứt vỏ. Dưới mũi dao xoi, lớp nhân màu ngà rã vụn, rơi xuống đĩa. Một cột mưa khác kéo qua, má lại nhìn, và những cảm giác đã mòn lại đến rồi đi.
Một bóng người mang tơi đội nón tùm hụp bước vào ngõ, đầu chúi tới trước như húc mưa, hai tay túm giữ chùm dây treo của đôi bầu (1) lủng lẳng đầu đòn gánh. Chị
Đa hàng xóm đi tỉnh về. Chồng chị bị gọi đi tái đăng quân dịch, mới gửi cho chị cái ngân phiếu ba trăm bạc cách đây mươi hôm.
Chị bước lên thềm, lật nón. Mặt chị hàng ngày vàng bủng bây giờ xám lại. Mấy ngón tay tê lóng ngóng mãi mới cởi được sợi dây buộc tơi lá ở cổ. Má Bảy chậm chạp cầm ống thổi lửa, thổi đống trấu rấm cho lửa bén chập chờn trên mặt trấu, đẩy mấy khúc củi tàn vào bếp. Trong cử chỉ của má có cái vẻ gì vừa ân cần vừa dè dặt. Chị Đa cúi mặt xuống gần lửa, còn hơ nóng hai bàn tay rồi xát chung quanh miệng. Hồi lâu chị mới bật ra nói, hổn hển vì nín thở:
– Chết… ông trời làm tội…
Má Bảy đặt ngửa cái vung đất trên ba ông táo, bỏ nắm dầu lai vụn vào rang quèn quẹt. Người ta bảo ăn muối dầu lai nhiều thì mất máu, rụng răng rụng tóc. Rụng cũng phải ăn. Trong nhà má lâu nay vắng thịt cá, đến chút dầu chút mắm cũng hết sạch. Ban tố cộng cấm các gia đình loại A và B không được ra khỏi thôn trong chiến dịch “toàn dân sát cộng”. Chị Đa thuộc loại C “thiện chí quốc gia” được đi chợ, nhưng má cũng không có đồng nào gửi chị mua mắm về ăn.
Chị Đa bớt cóng. Chị nói hồ hởi:
– Qua miếu âm hồn, tôi mệt quá muốn nằm lăn ra gốc đa, sau khấn âm hồn mấy câu mới khỏe lại, về tới nơi đó bác. Cái miếu rách mà linh hết sức!
Má Bảy khẽ nhếch miệng, nửa đùa nửa thật:
– Thờ Chúa sao lại khấn ma?
Chị cười xòa:
– Ối, sẵn đâu xâu đó. Vô nhà thờ cầu Chúa, qua chùa khấn Phật, tới miếu vái âm hồn, trúng cửa nào tôi nhờ cửa nấy… Con tôi khóc hung không bác?
– Khóc chán rồi ngủ lăn ra kia nè.
Chị Đa đến cạnh chõng. Hai đứa con chị ôm nhau ngủ. Con mắt người mẹ nhận ngay ra cái chăn xếp đôi đắp trên mình con được tém góc thật gọn, mẻ than hồng đặt dưới chõng còn bốc hơi ấm, cặp áo quần con Thừa giặt sạch hong khô xếp trên đầu giường. Chị vuốt tóc con, nghẹn ngào. Chị biết ơn.
Thằng Túc quẫy mình, thúc đầu gối vào chân em. Con Thừa bật khóc, kêu: “Bà, bà ơi!”. Chị Đa vội xốc con lên: “Má đây con”. Con Thừa áp mặt vào cổ chị, hỏi ngay: “Bà âu?”. Nó vẫn đòi bà. Con chưa lên hai đã gần quên hơi mẹ. Hôm nào hai đứa cũng dắt nhau sang bà, không gặp bà thì chơi với cô Út. Hễ nhà bà vắng cả, chúng nhẩn nha xếp đình xếp chùa ngoài sân bà chứ không chịu về.
Cảnh chị tay bồng tay dắt, quanh năm chạy ăn tất tưởi như nợ đuổi sau lưng, đã buộc chị nhiều lần nhờ vả má Bảy. Chị cần cái gì má giúp nấy, từ một buổi cấy đến một ngày trông con, nhưng má luôn luôn giữ cái vẻ không muốn làm thân. Má lạnh mặt với chị như bà mẹ chồng với nàng dâu muốn đi bước nữa, không bằng lòng mà chẳng tiện nói ra. Chị biết má túng thiếu. Hôm nay chị mua một chai nước mắm ngon còn để trong bầu kia, nhưng chưa dám lấy ra biếu má vì sợ vấp một câu đau lòng: “Tôi có giữ con thuê cho chị đâu”. Má sợ mang tiếng cầu cạnh kẻ có tiền, hay má không ưa gia đình kẻ đi lính, lại vào công giáo chẳng thờ ông bà? Chưa lần nào chị dám hỏi thẳng má.