Trời vẫn mưa, chỉ có gió và mưa lướt thướt như cả trái đất đang chìm dần trong thứ nước sông màu cà phê sữa. Ở mạn châu thổ cuối trời giờ là mùa mưa già nhưng thời tiết não nùng như vầy thì nhất định đang có bão tố đâu đó miệt ngoài, người miền Tây cảm biết chứ không cần những thông tin cụ thể và coi đó là thứ tặng phẩm không nhận cũng không được. Tiệp hé cửa thử nhìn ra ngoài trời để ước lượng mình sẽ tơi bời như thế nào nếu cứ đội mưa mà đi. Bóng đèn tròn đầu hẻm vốn là đèn toa-lét đung đưa lóp ngóp, tiếng loa truyền thanh công cộng trên cột điện khọt khẹp như bị ngộp nước, hàng bạch đàn ven con sông nhỏ phía trước rạp xuống không ngẩng lên được và mờ mịt phía bên kia vườn vú sữa nhà ai lắc lư trong vũ khúc say sưa một cách kỳ quặc.
– Mưa vầy mà mẹ cũng đi sao mẹ? – Thu Thi, đứa con gái chín tuổi của Tiệp ngồi xệp trên chiếc giường sắt nhỏ phòng khách hếch mặt hỏi, cái viền môi hình trái ấu nét hơn khi nó căng thẳng và lo lắng. Cạnh nó, đứa em trai sáu tuổi thò cả hai tay ra ngoài cửa sổ dầm nước, hai cùi chỏ ướt ròng ròng; khi mẹ và chị không chú ý, chú bụm những bụm nước đầy le lưỡi liếm rồi ngoảnh lại cười, cái khoé miệng dễ dãi chành rộng.
Tiệp xỏ tay vào chiếc áo mưa của chị Mỹ Nghĩa tặng, áo đặt, kiểu măng-tô san rất điệu, vải cao su trong mà dầy, những hình hoa cúc lấm chấm trắng và những cái nút bọc cầu kỳ. Hôm bà chị đưa chiếc áo mưa ra, nàng biết nó sẽ là món quà ấm cúng đặc biệt không chỉ vì sự chăm chút thiên vị của chị Nghĩa mà còn vì nó rất khó rách, nó sẽ trụ được trong cái thời một mống chỉ cỏn con cũng phải chờ tới lượt phân phối. Hôm ấy Tiệp đã mặc vào ngay, đứng xoay xoay trước cái kiếng tủ trong căn phòng bảy thước vuông của bà chị, sung sướng: “Bảo đảm chừng sang tên cho con Thu Thi, cái áo này còn chưa hề hấn gì”. Hai chị em ngồi bần thần hồi lâu, tuổi thơ và mảnh vườn hương hoả không còn, tuổi trẻ không còn, niềm hy vọng ngây ngất sau năm Bảy lăm cũng không còn, thay vào đó là sự chật vật ngơ ngác không hiểu sao sự tình lại ra nông nỗi. Lúc đó, hai chị em ngồi xuống mép giường thở than đủ thứ thì Tiệp còn là đứa em để hiểu, Tiệp chưa thành “nỗi xấu hổ” của dòng họ và chị Nghĩa cũng chưa phải có chính sách riêng khi đi lại với nàng.
– Cái giấy gì trong túi áo mưa, coi chừng hồi nữa ướt hết kìa, mẹ! – Thu Thi lại lên tiếng có ý thăm dò sao mẹ vẫn cứ đi.
Nàng buộc chặt hai mối dây của chiếc nón áo mưa hình lá sen, dướn cổ lên làm cứng:
– Quan trọng là con giữ nhà, giữ em cho giỏi, nghe không?
Đứa con mím miệng gục gặc đầu, nó sẽ chốt chặt cửa sổ, sẽ bóp khoá trong và đeo dây chìa khoá vào cổ, sẽ mở ti-vi và ngồi quạt muỗi cho em, sẽ bật đèn và chạy xuống nhà bếp lấy củi đập vào mõm hai con heo nếu chúng phá vách như mọi khi. Nó không lo cho nó hay cho em vì nó đã quen với cảnh mẹ đi công tác vắng hoặc đi hội họp hay bù khú bè bạn đêm hôm nhưng nó linh cảm điều gì đó ghê gớm đang đến với mẹ mà nó cũng liên can. Nó lo lắng nhưng không nói gì thêm, nó biết tính khí của mẹ, vẻ mặt nó có sự cam chịu và a tòng.
Tiệp chậm rãi dắt xe đạp ra, lấn cấn một chút trên thềm cửa, mưa gió hoá ra hay, nàng tự động viên, sẽ không người quen nào có thể nhận ra trong chiếc áo mưa có cái mũ lá sen nầy là cô Tiệp “tiếng tăm lẫy lừng toàn diện” đang dấn bước. Từ đây tới Nhà bưu điện tỉnh chỉ mất mười lăm phút, vậy là vừa, Tiệp không muốn mình chường mặt ở đó lâu. Nàng nghe thấy tiếng con gái chốt cửa sổ, tiếng nó rủ rê em khoai nướng khoai nướng, để Hai chạy xuống bếp gạt tro lấy khoai nướng, và chiếc ti-vi Rsia bắt đầu chương trình tiếng Khmer trước phần Thời sự của Đài khu vực.
Nước mưa khiến phải vừa đi vừa vuốt mặt. Cây dừa chỗ dốc cầu Cái Bần chao ngọn như một gã say rượu, nơi Đính bảo anh đã đứng đó mấy sáng và mấy tối liền để xem xem nàng hoặc Thu Thi có hiện ra như một phép màu không. Đường Lớn nối chân cầu với khu hành chính tỉnh dài loang loáng dưới hai hàng sao có từ thời thuộc Pháp, vài chiếc xe lôi đạp ngược chiều, mái bạt cũ, mái bạt cũ rung rung, những người chở khách thì trùm kín vải cao su chỉ chừa ra hai ống chân gầy gò, cật lực. Định Bảo như lé đé trong mưa nhưng chưa bao giờ bị sông Hậu nhấn chìm như những thị xã lân cận, chính vì vậy mà nó kiêu hãnh với vị trí ưu thế có từ thời Dực tông mê mẩn làm thơ hơn trị quốc. Đính bảo khi lần đầu nhìn thấy sông Hậu, anh đã kêu lên “Thật là đáng xương đáng máu của tiền nhân” và anh đã ví nàng như một trái bắp phồn thực, hồn hậu và chân thành không sao tả xiết của bãi bờ nầy. Tiệp đạp xe cắm cúi, thấy khoảng cách của mình với gia tộc sẽ rộng ra vài cái lồng sắt tổ chức rõ mồn một, rườm rà, kệch cỡm và ghê gớm.