Gái bán dâm, gái điếm, gái bán hoa, “cave”… là những từ chỉ một nghề nhạy cảm, nhiều góc khuất Công việc này luôn khiến nhiều người tò mò và các cuốn sách tự truyện của những “kẻ trong nghề” – dù số lượng chỉ đếm trên đầu ngón tay – vẫn luôn trở thành best-seller.
Gái điếm tuy không phải là tự truyện của một cô gái đích danh nhưng nhà văn Nguyễn Văn Học đã miêu tả các cuộc trao đổi, ngã giá trần trụi khiến độc giả có thể đỏ mặt: Để moi được tiền từ trong túi hắn, trong túi tất cả những gã đàn ông, tôi chịu đựng tất cả. Cái bụng sệ kềnh càng hắn đè lên người, lên chân, lên cả đầu, nằng nặng, ngạt thở. Tôi chấp nhận cả cái miệng thum thủm của hắn hôn hít lên môi, lên da thịt, lên bầu vú… Mùi hôi miệng phả nồng nặc.
Mại dâm luôn là vấn đề nhức nhối do những hệ lụy mà nó mang lại, dù trên thế giới có hơn 20 nước đã hợp pháp hóa nghề này. Với những cô gái này, đằng sau các cuộc mua bán thân xác, vui chơi trụy lạc là tột cùng của tủi nhục và đau khổ. Và họ luôn mong xã hội cảm thông hơn.
Nhân vật trong Gái điếm lúc đau đến quặn lòng khi đứa con mang trong bụng đã chết, lúc nức nở tủi nhục: Là một con điếm khổ quá, không dám cầu cạnh gì bác sĩ. Người ta hỏi chồng tao đâu. Tao không nói được gì. Không có người nhà, tao biết những người ở đây họ đoán được tao là ai. Có lẽ tao chết mất.Nhưng dẫu vậy, họ vẫn có tự tôn của riêng mình: Vậy thì cave cũng có văn hóa chứ, văn hóa làm cave. Cave cũng đa dạng dăm bảy loại, cũng cảnh ngộ, cũng cười cợt, cũng khóc ngả ngớn, cũng yêu, phân ly, phản bội, ghen tuông.
Nguyễn Văn Học là nhà văn luôn đau đáu về thân phận gái bán hoa và viết rất nhiều về đề tài này. Gái điếm của anh dường như nhìn thấu mọi đau đớn và tâm tư của lớp người đáy xã hội.