Cho những người sống quanh tôi…
Cuối cùng thì cuốn sách mà tôi nghĩ mình cần phải viết nhất cũng đã hoàn thành. Tôi hy vọng rằng, những con chữ bạn sắp đọc ở vài trăm trang tiếp theo sẽ là những thông tin có giá trị và được sử dụng cho mục đích làm cuộc sống tốt đẹp hơn.
Tôi đã gặp và nói chuyện với rất nhiều phụ nữ đã, đang và sắp ly hôn. Cuốn sách này là kết quả của hàng ngàn tin nhắn, hàng trăm những buổi chiều chúng tôi tìm kiếm, gặp gỡ và nói chuyện cùng nhau. Chúng ta đã đủ dũng cảm, bình yên để nhìn lại cuộc hôn nhân của mỗi người và tiếp tục hành trình phía trước trong hạnh phúc và niềm vui.
Hải Vy bé nhỏ, nụ cười hồn nhiên và sự lém lỉnh của con là tín hiệu an toàn nhất để mẹ biết rằng chúng ta đã đi đúng con đường cần đi và trở thành đúng con người chúng ta được tạo nên.
Và Bạn, những người lặng yên nhìn tôi nằm trên sàn nhà khóc lóc lấm lem và chỉ muốn tống cổ tôi ra chỗ khác để dọn dẹp sạch sẽ chỗ ở mới cho hai mẹ con tôi trước nửa đêm.
Còn mẹ tôi nữa, không biết mẹ đã hết buồn chưa?
Cuốn sách đầu tiên của tôi, Gom nắng cho em được chị em phụ nữ rỉ tai nhau đọc. Tôi vui quá. Ngay cả trong một hội chợ sách, có chị mua sách của tôi rồi chạy lại xin chữ ký rất hớn hở: “Em ơi, ký vào đây cho chị một cái, ký vào rồi về chị cho chồng chị đọc, em viết là Em chúc chị không bao giờ phải ở vào hoàn cảnh như em , ấy thế mà tôi vẫn vui. Niềm vui của một người đang nỗ lực trở thành nhà văn và cười rất tươi khi có người vừa mua sách của mình.
Niềm vui “trong sáng” của tôi kéo dài được khoảng hai tháng sau ngày ra mắt sách. Sau đó thì cũng vẫn vui, nhưng kiểu khác. Hàng chục tin nhắn được gửi đến Facebook mỗi ngày, tôi vừa bất ngờ vừa lo lắng. Vài ngày đầu tiên, tôi đã rất nhiệt tình trả lời mỗi khi có tin nhắn gửi đến. 90% là những câu chuyện tình yêu và hôn nhân. T ôi thấy mình phải có trách nhiệm đọc và trả lời, hoặc ít nhất là chia sẻ những tâm sự mà mọi người gửi đến cho mình. Ngày qua ngày, việc nói chuyện với các chị em qua Facebook trở thành “công việc” quen thuộc. Mỗi khi thấy có tiếng ting ting từ điện thoại, nhìn qua màn hình thấy chữ “Chị ơi/em ơi/bạn ơi…”, tôi hình dung ra ngay câu chuyện người ta chuẩn bị kể. Ít khi là chuyện vui.
Rồi sau đó thì tôi bị quá tải, vài chục người một ngày đều có nhu cầu nói chuyện. T ôi vốn tự đặt ra trách nhiệm của mình là phải có phản hồi vì cứ nghĩ họ đang buồn như vậy, đang khủng hoảng như vậy, họ cũng như mình của vài năm trước, muốn được sẻ chia và cần những lời khuyên của người có kinh nghiệm hơn. Tôi không thể và không nên im lặng. Rồi tôi “làm việc” một cách khoa học hơn, tôi đọc hết tin nhắn nhưng chia ra các cấp độ nghiêm trọng khác nhau để trì hoãn cuộc nói chuyện.