Lê Quý Thanh, chủ nhân gian gác xép trên sân thượng (tầng ba) số nhà 162..
Sổ tay theo dõi hộ khẩu của cô công an khu vực ghi thế. Không hiểu sao, mọi người cứ gọi căn nhà nhỏ của Thanh là gác xép. Thực ra, đó chính là một cái phòng gạch nhỏ. Nhỏ xíu. Xây ngay trên gác ba của một tòa nhà lớn. Tòa nhà này trước kia của một tên chủ đồn điền cà phê Pháp. Y chỉ ở Hà Nội vào mùa thu và mùa đông. Trong thời gian đó, giới quan chức lại chơi rất nhiều và y thường tổ chức tiệc trà trên sân thượng. Sang xuân, y đưa vờ vào Đà Lạt, đám gia nhân lại phải hì hục khuân bàn ghế, giá treo mũ áo, cây đèn, chậu cảnh, bồn hoa xuống nhà, qua chiếc cầu thang cheo leo ngất ngưởng. Được vài năm, gã quản gia mới tới liền cho xây một căn phòng nhỏ xíu nơi góc sân, để hết mùa tiệc tùng của chủ, hắn dẹp luôn những thứ để phục vụ vào đó. Năm năm mươi tư, căn phòng nhỏ lọt vào tay cô ruột của Thanh. Bà thuê nhà bên dưới, nhưng dùng căn buồng trên sân thượng để chứa măng khô, miến tinh, bột bánh tả quanh năm. Khi Thanh từ Hải Dương lên Hà Nội học đại học Y khoa, bà liền giao cho cháu căn buồng đó. Hai năm sau bà chuyển chỗ ở nhưng căn buồng vẫn nghiễm nhiên là của Thanh. Anh trở thành chủ nhân một hộ, và anh cũng có riêng một quyển sổ hộ khẩu như ai.
Căn buồng Thanh ở vuông, mái đổ bằng. Trông xa, nó giống như hộp phấn mà ai đó lên chơi sân thượng đã bỏ lại. Mùa hè, nóng như rang bắp. Mùa đông, gió thành phố bốn bên tha hồ lùa vào. Tuy nhiên, đối với một sinh viên căn buồng đó là món gia tài đáng kể. Trước tiên là vì nó đem lại sự tự do ngoài những giờ lên giảng đường. Anh muốn ngủ, muốn ăn, muốn chơi, muốn hát hò… đều không sợ va chạm với ai. Tính thanh niên thích tự do, hứng gì làm nấy.
Thanh là một chàng trai hai mươi bốn tuổi. Người lòng khòng, vai lệch, nói chung là xấu mã. Duy chỉ được cặp mắt đầy cảm mến, dịu dàng. Người khu nhà dưới thỉnh thoảng mới nhìn thấy anh xuống xách nước hoặc mang quần áo đi tắm (vì anh cũng thuộc loại lười tắm). Nghe các bà các chị nói chuyện, anh thường trố mắt lên và ngạc nhiên kêu: “Thế ạ, thế ạ…”. Các cô gái thích đùa nghịch với anh chứ không yêu anh. Thanh có một cây đàn ghi-ta. Anh đàn giỏi và hát khá hay. Mỗi dịp vui vẻ: cưới xin, hội hè hay liên hoan chẳng hạn, các cô kéo ào ào từ dưới sân lên căn phòng nhỏ, ngồi khắp nơi, từ nóc trạn đựng đồ ăn cho tới nắp chiếc va li vốn đã bẹp dúm dó của Thanh. Các cô bắt anh dạy hát cho bằng được. Trêu chọc anh, bắt anh mua táo dầm và mận chín về chiêu đãi. Bắt anh kể những câu chuyện rùng rợn trong nghề y… Thưởng công cho anh vài điếu thuốc cuốn… Để rồi hết dịp vui vẻ đó, các cô lại cuốn đi ào ào, như những cơn lốc, để lại trong căn phòng ngổn ngang của anh những mẩu giấy thiếc bọc kẹo, vài mẩu len buộc tóc và những nắm vỏ hạt dưa, hạt bí.
Trẻ em, trái lại yêu quý Thanh tới mức cha mẹ chúng phải ghen lị. Từ những chú nhỏ ba, bốn tuổi, lứa thiếu niên nhong nhóc chín mười, đến loại choai choai mười ba, mười lăm… Đứa nào cũng dính với Thanh như sơn. Thậm chí, anh phải van vỉ, chúng mới chịu rời bỏ cái tổ chim cheo leo trên sân thượng. Nỗi khủng khiếp nhất đối với các ông bố, bà mẹ là chiếc cầu thang quanh queo, tay vịn sơ sài dẫn lên sân thượng. Bất cứ đứa bé nào lơ đãng cũng có thể rơi từ trên đó xuống và tan xương. Họ phải ra lệnh cấm trẻ con lên gác. Và Thanh cũng phải làm mặt giận dỗi dọa không chơi với tụi trẻ nữa nếu chúng còn leo lên nhà anh. Từ ngày có lệnh đó, mỗi hôm Thanh phải bỏ ra một giờ xuống sân. Ở đó, anh vừa rửa rau, giặt quần áo, vừa kể chuyện cho lũ trẻ. Hết việc, Thanh lại phải vót tre làm diều. Trẻ con của khu nhà thích chơi diều, nhưng chúng không có chỗ thả. Vì thế Thanh phải làm cho mỗi đứa một chiếc diều bằng tre và giấy của mẹ chúng kiếm. Rồi chiều đến, anh lại phải cầm cả lũ diều lên sân thượng, thả gió. Bọn trẻ đứng dưới nghển cổ lên:
– Diều của tao kia kìa, cái dây tròn ấy.
– Của tao trên của mày, dán toàn giấy pơ-lua hồng, sang nhất hội.
Những chiếc diều lắc lư, chao đảo theo gió. Chúng từ từ bay lên, cái thấp, cái cao. Lúc ấy, lũ trẻ bắt đầu kêu gào :
– Chú Thanh, diều của cháu không lên nữa rồi. Chú giật dây đi.
– Chú Thanh,diều của cháu mà thua diều của thằng Hùng din à? Bắt đền chú đấy…
– Chú Thanh, chú cho diều của thằng Thiệu trèo lên đầu diều của cháu, ghét chú lắm, ứ thèm chơi với chú nữa…
Và Thanh, khổ tâm thật sự, bối rối thật sự vì những lời trách móc, kiện cáo của lũ trẻ, cố gắng xoay xở sao cho tất cả bọn chúng được vừa lòng.