“Đời mưa gió” bắt đầu từ câu chuyện của một người đàn ông bị người yêu phản bội và mang nặng một vết thương lòng đến mức không thể mở lòng với bất kỳ người đàn bà nào nữa. Cái mỉm cười tươi thắm như đóa hoa xuân hàm tiếu, chàng cho là có giấu những tư tưởng vật chất đê hèn. Mỗi cái nhìn ánh lên từ cặp mắt trong như nước hồ thu, chàng cho chỉ là cái bình phong che bao tâm tình thô sơ, trưởng giả. Chương – từ một người lãng mạn mộng mơ phút chốc biến thành kẻ ghét đàn bà một cách cay độc. Cũng dễ hiểu thôi, khi con người ta đặt hết niềm tin yêu cho một người, bỗng chốc bị phủi tay, quay lưng không thương xót, thì liệu có đủ níu niềm tin để đứng vững giữa cuộc đời?
Thế nhưng, cuộc đời vốn thích trêu ngươi, vậy nên định mệnh đã sắp đặt cho ông giáo đạo mạo gặp phải một cô gái giang hồ xinh đẹp và sành sỏi. Không phải là thứ ái tình bị bỏ bùa mê trong phút chốc mà là thứ si tình ám ảnh cả một cuộc đời. Chương yêu Tuyết như chính bản thân mình, yêu nàng “như một cô gái thượng lưu và tử tế”, không vẩn đục, tạm bợ như câu chuyện tình một đêm ta thường thấy. Có ai ngờ đâu, người đàn bà mà Chương dốc bao tâm huyết lại đã khắc sâu vào trái tim – trái tim sắt đá của nàng – một câu châm ngôn ghê gớm: “Không tình, không cảm, chỉ coi lạc thú ở đời như một vị thuốc trường sinh”…
Cuộc sống của Chương và cô gái giang hồ không bình lặng trôi qua như bao đôi lứa khác. Một tâm hồn bồng bột, phóng khoáng, luôn muốn “nổi loạn” để vượt thoát sự gò bó, khuôn phép như Tuyết vốn luôn ẩn chứa những đợt sóng ngầm mà dữ dội. Phải chăng vì thế mà nàng đã 2 lần phản bội lại Chương, một lần ra đi cùng người tình cũ và một lần dan díu cùng Giang?
Một sớm mai thức giấc, giữa tiếng pháo của mùa xuân vẫn còn vương lại trong ngày mồng 3 Tết, Tuyết bỏ Chương và đi trong mưa phùn lặng lẽ. Bạn có thể sẽ khinh ghét Tuyết, bạn có thể sẽ rẻ rúng con đàn bà gian trá, phản trắc, nhưng nếu ngẫm lại, thì Tuyết có thực sự sai hay không? Đối với nàng, thà liều thân với một đời mưa gió, khổ sở, đê tiện, còn hơn là sống lừa dối bên cạnh một người mà nàng đã cạn dần tình yêu. Nàng không thể sống mãi một kiếp đời buồn tẻ, bên cạnh một gia đình đơn sơ, giản dị với người chồng học thức, nhân hậu – bởi, chính nó, luôn luôn nhắc Tuyết rằng – địa vị của nàng vốn không phải ở đây…
Tôi không ngần ngại khi gọi Tuyết là một cô gái điếm, bởi đối với Chương, gái điếm chẳng có gì là xấu? “Đĩ thì ai ai cũng đĩ, chỉ có khác một đằng đĩ với 1 người, một đằng đĩ với nhiều người”. Bản thân Tuyết cũng thừa nhận điều đó, không quanh co, không giấu diếm – “Trời ơi, anh yêu được em ư? Anh chưa biết em là ai đấy, em chỉ là một đứa giả dối, man trá, em là một con đĩ khốn nạn, đê hèn. Em sẽ lừa dối người yêu, vì em đã trở thành một đứa vứt đi, tiêm nhiễm hết mọi thứ xấu xa của xã hội này”… Đó không phải là những câu nói thốt lên từ sự hận đời, mà đó là câu nói của một người biết mình là ai, nhận thức được mặt khuất lấp bên trong của tâm hồn, để từ đó mà xót xa, để từ đó mà bẽ bàng chua xót!
Tôi thương cô gái điếm mang tên Tuyết, tôi thương một “Đời mưa gió” bởi nó lắng lại trong lòng tôi những tâm tư sâu lắng của tác giả. Một cuốn tiểu thuyết đi ra ngoài quỹ đạo phê phán xã hội như những tác phẩm đương thời, một tác phẩm thể hiện rõ bản ngã của nhà văn- người nghệ sĩ yêu cái Đẹp, yêu cuộc sống giang hồ, một nghệ sĩ luôn hướng đến sự tự do, giải phóng cá nhân và đề cao giá trị ẩn chứa bên trong những gì bị cho là nhơ nhuốc tận cùng. Nếu nhân vật Tuyết đề cao sự sống chung không ràng buộc những lễ nghi hà khắc thì cái mà Khái Hưng – Nhất Linh muốn nhấn mạnh chính là sự nâng niu quý trọng từng giây phút ngắn ngủi của nỗi đam mê. Vì bản thân tôi – kẻ yêu văn chương như máu thịt – cũng đã ngộ ra được một điều: hơn bất cứ điều gì, hạnh phúc chính là thứ luôn đặt trên ranh giới của sự mong manh. Những phút giây mặn nồng chỉ là nền tảng cho một sự chia ly không báo trước, vì thế mà Tuyết đã chọn con đường đi riêng của nàng, con đường lang thang thất thểu, không nhà, không cửa, không một chút tình thân. Nàng đi theo một tiếng gọi xa xăm, dấn thân vào đời ô trọc mà vốn biết nó nhục nhã ê chề… Nhưng đổi lại, nàng được sống đúng là nàng, cô gái điếm đã yêu, được yêu, đã quay đầu và cuối cùng lại bỏ ra đi…
Có người cho rằng, “Đời mưa gió” chính là một trong những tác phẩm đương thời đi xa nhất về sự giải phóng con người. Thật vậy, người con gái giang hồ hoàn toàn tự do khi tìm đến Chương và cũng hoàn toàn tự do để ra đi. Ngay cả khi nhan sắc úa tàn, xác thân tiều tụy, ốm đau bệnh tật, nàng một lần nữa lại tìm về bên Chương, nhưng chính hành động hủy đi kí ức, xé vứt vào lò sưởi những bức ảnh treo trên tường rồi đi biệt lại là minh chứng cho lòng tự trọng của nàng. Tuyết ra đi trong cơn hủy hoại thân thể, trong cái chết dằn vặt và để lại cho người đọc cảm nhận một tâm hồn biết rung cảm và trọng danh dự cho người yêu. Tuyết thực sự thấy mình nhơ nhuốc và không muốn quấy rối cuộc đời bình yên của Chương thêm một phút một giây nào nữa…
Tuyết – cái tên gợi lên trong lòng tôi sự lạnh lẽo, giá băng như chính cuộc đời nhân vật. Thông qua người đàn bà giang hồ sắc sảo, thông minh và quyến rũ, Khái Hưng – Nhất Linh không hề “thi vị hóa nghề làm đĩ” như có người từng kết án, mà đối với tôi, nhà văn đã thổi vào những gay gắt đớn đau trong cuộc đời làm đĩ một làn gió nồng nàn và mê đắm – một làn gió thoảng qua và thức tỉnh những ai đang đắm chìm trong cuộc đời vô nghĩa, bàng quan và tẻ nhạt…