Xuân Lan bắt đầu hiểu chút ít về chuyện đời và nhận xét những sự việc xảy ra trong gia đình từ khi lên mười hai tuổi. Năm ấy nó thi đậu vào lớp đệ thất trường Gia Long, một trường nữ trung học lớn nhất ở miền Nam. Trong khi nó đậu thì Ngọc Hương, chị nó, lớn hơn nó một tuổi, lại rớt và phải ghi tên học ở một trường tư. Vì lẽ ấy mà sự thi đậu của nó không được gia đình đón tiếp một cách vui vẻ. Nó đậu không ai khen, không ai mừng, trái lại cha nó, mẹ nó, các chị nó đều thương Ngọc Hương vì không may bằng nó.
Xuân Lan biết suy nghĩ từ lúc đó. Tại sao cũng là con mà nó lại không được yêu thương như các chị nó? Tại sao mỗi sáng chủ nhật, trong khi cha mẹ nó và các chị các anh, cả mấy em nữa, đều được lên chiếc xe sang trọng để đi Thủ Đức, hoặc về quê hay ra Vũng Tàu đổi gió, thì nó lại được mẹ dặn:
– Con ở nhà trông nhà nhé. Chóng ngoan mẹ về sẽ thưởng.
Khi mọi người đi rồi, chị bếp, người giúp việc trung thành của gia đình, đã nhìn nó với tối mắt đầy thương xót, rồi lắc đầu nói một mình:
– Tội nghiệp con bé!
Xuân Lan đi học buổi chiều thì buổi sáng mẹ khuyên nó:
– Con gái dù học giỏi tới đâu cũng phải tập làm lụng, nấu nướng cho quen.
Rồi đây còn phải có chồng, lo cho gia đình. Con nên đi theo chị bếp tập mua bán, biết giá cả cho quen. Rủi khi chị ấy đau thì con có thể thay thế đi chợ giúp mẹ.
Lúc ấy Xuân Lan chỉ nghĩ mẹ dạy như vậy rất phải. Con bà Tham bên cạnh tuy đã học đến lớp đệ nhị, lớp nhiều bài vở chuẩn bị thi, vậy mà chị ấy vẫn đi chợ giúp mẹ. Nhưng có điều Lan không hiểu nổi là tại sao ba chị của nó lớn nó, lại không được mẹ dạy bảo như nó. Chị Liên Hương học đệ tứ, chị Mai Hương học đệ lục, còn Ngọc Hương thì học đẹ thất trường tư. Ba chị của nó lúc nào cũng ngồi đọc tiểu thuyết trên lầu hay chụm lại để nói chuyện.
Trong nhà, cha mẹ hay các chị có cần việc gì thì gọi đến nó, đôi khi nó chạy không kịp, làm không xuể và bị rầy la ầm ĩ.
– Lan, lấy cho mẹ cái quạt.
Các chị thì thi nhau sai:
– Lan, bánh mẹ để phần cho tao đâu? Lấy ra đây cho tao.
– Lan, sao chưa ủi cái áo của chị?
– Lan, mày làm gì mà không chép bài giùm tao? Chị nay tao bị phạt thì liệu lấy.
Lan làm việc này, chạy đi lấy cái nọ mà trên đôi môi lúc nào cũng nở nụ cười. Nhiều người khen nó ngoan, không bao giờ biết giận. Lúc ấy nó vô tư, chưa thấy rõ sự chênh lệch giữa nó và các chị, anh em của nó. Lúc ấy nó không biết phân bì, so sánh, đòi hỏi, tủi hờn. Nhưng bây giờ thì khác, nó đã hiểu, bắt đầu khám phá ra nhiều chuyện.
Ông Phương, cha nó, là một công chức cao cấp, có địa vị, uy tín. Mẹ nó là một người đàn bà xinh đẹp, đài các, kiêu kỳ, và dường như không được hàng xóm láng giềng thương mến. Đã ngoài bốn mươi tuổi nhưng bà vẫn chưng diện hết sức. Ngày nào bà cũng ra tiệm chải tóc, mỗi ngày một kiểu, và đóng tiền trước cho tiệm uốn tóc để khi nào bà ra là người ta phải làm ngay cho bà. Cái tủ áo của bà, ai nấy cũng phải choáng ngợp. Còn cái hộp nữ trang đủ kiểu, đủ loại hột cũng đã tốn kém nhiều tiền của cha Xuân Lan. Thường thì con gái gần mẹ hơn nên thương mẹ hơn thương cha, đối với Xuân Lan lại khác. Xuân Lan không hiểu tại sao nó lại thương cha hơn. Đôi khi nó bắt gặp cha nhìn nó với đôi mắt thật êm dịu, thật hiền từ, bao hàm một tình thương bao la vô bờ bến. Mẹ nó chưa bao giờ nhìn nó như vậy.
Trước kia, khi chị Mai Lan của nó còn ở nhà, chị cũng có cái nhìn như cha nó. Chị Mai Lan rất yêu thương nó, thường vuốt ve nâng niu nó y như một người mẹ. Chị bếp nói chị Mai Lan cùng mẹ khác cha với nó và các người con khác trong gia đình. Cách nay mười mấy năm gì đó, mẹ nó đã có một đời chồng, đưa lại kết quả là Mai Lan. Chị Liên Hương, chị Mai Hương, chị Ngọc Hương đều không ưa Mai Lan cũng như không ưa nó.
Trọng Tài và Trọng Nghĩa, anh và em trai của nó thì lại vô tư, không thương nó cũng như không ghét. Trọng Tài có cuộc sống riêng của đứa con trai vừa lớn lên, thích bạn bè đùa nghịch và khinh những đứa con gái không làm tích sự gì.