Nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng chắc đã lấy cảm hứng từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Bình Nguyên Lộc. Đò dọc là loại tiểu thuyết feuilleton được Bình Nguyên Lộc cho đăng trên nhựt báo Dân Chúng với tựa đề là Giái chợ về làng trước khi được nhà xuất bản Bến Nghé của ông cho xuất bản năm 1959, và được giải thưởng Văn chương toàn quốc (Miền Nam) năm 1960.
Tiểu thuyết của Bình Nguyên Lộc được Mai Thảo đánh giá là “không siêu hình, không gió bão, cái thế giới đã bốn mươi năm văn học ở trong đời sống và làm cho đời sống muôn vàn tươi thắm”.
Và cuốn Đò dọc, theo nhận định của Thuỵ Khuê, là tác phẩm “mang dấu ấn truyện tâm lý viết theo lối Bắc, khác hẳn lối viết của Hồ Biểu Chánh” và là, bà cho biết thêm, “cuốn tiểu thuyết đầu tay, trong những cuốn sau, Bình Nguyên Lộc đào sâu thêm, như Ái ân thâu ngắn cho dài tiếc thương (1963), Hoa hậu Bồ Đào (1963), sự phân tích tâm lý đã chiếm gần trọn tác phẩm, mở rộng và đào sâu về hướng hiện thực xã hội thành thị miền Nam”.
Truyện kể về gia đình ông bà Nam Thành và bốn cô con gái phải rời Sài gòn về chốn “Trai tráng quê mùa, làm sao mà biểu xứng”. Nhưng rồi, sau tại nạn xe hơi của anh chàng hoạ sĩ và sau khi ba cô em gái đã “trôi trên con sông tình”, ông bà Nam Thành cũng thực hiện được cái ước mơ nhỏ nhoi mà hệ trọng, và cuối cùng bà cũng vẫn còn trách ông đã quyết định mà bà cho là sai lầm là “từ bỏ ngói vôi về với ruộng đồng”, dù lần này bà chỉ trách nhẹ thôi: “Tai nạn xe hơi không bao giờ diễn lại lần thứ nhì ở gia đình khác mà cùng cảnh với mình”. Ông cũng nhận mình sai nên chỉ chống chế bằng câu: “Nhưng việc chánh là gả được con, mà mình đã gả được”. Rồi ông cười ha hả để đánh trống lấp.
Chính tác giả Bình Nguyên Lộc cũng cho rằng “(Đò dọc) được khán giả khen hay hiện nay”, ông nói như thế trong một lần được phỏng vấn vào năm 1965, và ông cũng cho biết khi đọc lại “mới thấy trong Đò dọc đã dùng sai từ quan sát thay vì phải viết là nhận xét mới đúng”.
Trong tài nguồn được chép lại dưới đây có đến 5 từ quan sát và 2 từ nhận xét, Goldfish tôi chẳng biết từ quan sát nào sai hay đã được thay bằng từ nhận xét rồi? Trước năm 1975, ở Miền Nam người ta thường dùng gạch nối giữa các từ kép, trong bản nguồn cũng ghi như thế và tôi cứ giữ như thế, không thêm, không bớt. Riêng đối các chữ mà tôi tin rằng do đánh máy sai tôi đều sửa mà không chú thích, một phần do làm biếng, một phần để mục chú thích đỡ rườm, mong các bạn thông cảm.