Khi chuyện này được kể lại thì nhiều năm tháng và sự kiện đã trôi qua.
G là một trong những khu trung tâm của thành phố. Nó gồm một trục đường rộng, chia ra làm đôi bằng dải phân cách cũng khá rộng. Dân khắp nơi đổ về thành phố kiếm việc làm thường tìm thấy ở dải phân cách ấy chỗ ngả lưng lý tưởng. Và tại đó lập tức tồn tại một xã hội nhỏ, tạm gọi là xã hội ngoài lề. Bởi vì mọi hoạt động sinh nhai ở đó khá nhộn nhịp, xô bồ, nhưng luôn luôn nằm ngoài sự chú ý của mọi người. Nhờ hệ thống các ki-ốt, siêu thị, nhà hàng, nhà thổ… mà cuộc sống ở phố G nhộn nhịp từ sớm tinh mơ tới đêm khuya.
Hôm kia… tại đó xảy ra một vụ giết người. Nạn nhân là thằng bé đánh giầy quãng 10 – 12 tuổi, bị một gã đàn ông đâm chết ngay tại chỗ. Hung thủ được tạm mô tả như là kẻ mắc chứng thần kinh, ăn mặc khá sang trọng. Việc truy bắt đang được tiến hành ráo riết.
Tôi hoàn toàn tình cờ vớ được mẩu báo và cứ đọc đi đọc lại, thuộc đến từng dấu phẩy đoạn tin ngắn cụt đầu kia mà không biết thực ra mình cần gì. Ngày nào trên hàng trăm tờ báo chẳng nhan nhản những tin tức loại đó và người ta thường đọc nó một cách dửng dưng khi chờ xe buýt, lúc ngả lưng sau bữa ăn hơi nặng hoặc khi ngồi trong toa-lét… Ai đó chết chứ không phải ta; thằng bé đánh giầy nào đó bị đâm chết chứ không phải con trai ta, cháu ta… Thậm chí đôi khi ý nghĩ ấy khiến ta hoan hỉ, sự hoan hỉ của người đứng ngoài nỗi bất hạnh, hoặc không khỏi có lúc ta tặc lưỡi: “Cho chúng nó chết bớt đi, bọn lưu manh” v.v… Tóm lại đó là những cái chết quá quen thuộc, đơn giản, ít kịch tính, không khiến ta bận tâm.
Vậy mà tôi lại cắm mắt vào đoạn tin kia như bị thôi miên. Không phải do tôi đa cảm – một biểu hiện quá xa xỉ của tình cảm trong thời buổi hiện nay – khi bị ám ảnh bởi cái chết của thằng bé đánh giầy. Tôi không biết mặt nó, không phải chịu trách nhiệm về sự có mặt hay không có mặt của nó trên cõi đời này – thật là nhẹ nhõm bởi ý nghĩ này! Vì thế, việc nó bị đâm chết cũng giống như với tôi, nó chưa bao giờ sống cả. Nó y hệt như cái chết của đứa trẻ nào đó bởi tay săn người hay cảnh sát… mà ta vẫn xem qua bản tin thời sự, không hề ảnh hưởng tới hiệu quả của bữa tiệc nhiều món mà ta đang chén rất sướng miệng; thậm chí, chính thông tin đó cho ta cảm giác ngon miệng hơn bởi ta thấy rõ ta là người hạnh phúc hơn bọn đó nhiều lần. “Chúng mày cứ giết nhau đi còn bố mày đây thì cứ chén. Hà hà!”.
Thực ra, hình như, bóng dáng được mô tả thoáng qua (theo sự nhớ lại rất ít căn cứ của ai đó) về hung thủ, lại cho tôi sự ám ảnh mạnh hơn các trường hợp rõ mặt. Tôi thấy hắn như kẻ to lớn, biết tàng hình, có thể xuất hiện ở bất cứ đâu hắn muốn, chỉ trong chớp mắt là có cảnh tang tóc. Thần chết thường giết người mỗi khi lão thèm nghe lời kêu gào xé, ai oán – mà với lão nó rất ngọt ngào, êm dịu. Cứ xem cách lão cầm hái đi rình thì biết! Cái hình dung đó, không biết từ bao giờ, đã ăn sâu vào trí tưởng tượng của tôi. Giờ đây chính là lúc mà ký ức tôi bị đánh thức, để hình ảnh lão thần chết hiện lên. Dường như ngần ấy năm lão vẫn thế: lạnh lùng, háo sát, thấp thoáng như một bóng đen khổng lồ.
Tôi quyết định bám chặt lấy vụ thằng bé đánh giầy không phải vì các báo săn lùng loại bài này như săn lùng phao cứu tinh, không phải với cái mục đích sưu tập các kiểu chết – vốn là công việc tôi theo đuổi một cách nghiêm túc – mà vì một thôi thúc nhuốm màu sắc bi kịch mà tôi không thể diễn tả được. Về sau này, rồi quý vị sẽ thấy, tôi hiểu ra rằng, hóa ra tôi chỉ tiếp tục cuộc truy tìm hắn.
Tôi đinh ninh rằng thằng bé ngã xuống ở gần nơi ngã tư bởi vì chỗ đó hội tụ rất nhiều điều kiện cho một cú ngã ngoạn mục. Tuy nhiên lúc tôi có mặt thì đúng chỗ đó là nơi bà hàng bún rong đặt gánh hàng. Bà trông rất già, răng rụng hết nên khi mời khách nước dãi cũng phụt ra theo thành tia, bắn cả vào nồi nước bốc khói nghi ngút, nổi lều bều những miếng đậu rán.
– Mời chú xơi quà!
– Cám ơn bà, tôi không đói.
Bà già rít nước dãi trở vào, nói:
– Quái lạ! Ai cũng bảo không đói. Không ai đói mà đâu đâu cũng nghe chuyện cướp giật, ăn cắp, giết người… – Mời bác xơi quà! – Bà mời đuổi theo một người đàn ông. Khi người này quay lại cười mới biết là đàn bà. Bà già cũng cười, phô ra cặp lợi đỏ hỏn.
Tôi nhằm một ki-ốt gần nhất hướng tới. Chủ nhân là một lão già mặt dài, trán hói, đầu chỉ còn lơ thơ vài sợi tóc. Lão đang giương mục kỉnh đọc báo. Nom lão giống như bức vẽ cách điệu một con cáo. Tôi liếc nhanh vào tờ báo lão đang dán mắt và biết ngay nó là loại báo nào. “Ðây là loại dùng để dỗ phụ nữ lên giường” – Tôi thầm nghĩ và cất tiếng trước:
– Chào cụ!