Những mẩu chuyện này được viết trong những ngày cuối hạ, đầu thu 1988.
Lúc đầu, tác giả không có ý định xuất bản, chỉ muốn tập hợp lại vài tâm tư và quan sát trong nhiều năm qua, cho một số bạn hữu và chính mình. Vì vậy, người viết cảm thấy tự do, không ngại sử dụng nhiều ý tứ và cách dùng chữ xa lạ khó hiểu. Người đọc, có ai tìm được vài pháp lạc thì đó là niềm vui cao quý cho tác giả.
Tập truyện này xuất bản được là nhờ khuyến khích và giúp đỡ từ nhiều phía. Xin chân thành cảm ơn tất cả.
Cộng hòa Liên bang Ðức, tháng 2 năm 1989
Nguyễn Tường Bách
CHUYỆN NGƯỜI KỸ NỮ
Vùng nọ, có một đô thị sầm uất, dân cư đông đúc, khí hậu điều hòa. Thương thuyền lui tới tấp nập bất kể ngày đêm, người đi như hội.
Ðô thị ngày càng mở rộng nhưng chỗ đẹp nhất vẫn là khu phố cổ, nhiều ngõ ngách nhỏ hẹp ẩn mình dưới hàng liễu rủ xanh tươi. Khách xa tới đây đều tấm tắc khen là thiên đường hạ giới.
Trong khu phố cổ có một kỹ viện, xây dựng lên từ đời nào không rõ. Kỹ viện có nhiều nàng kỹ nữ xinh đẹp, múa rất hay. Thương nhân đến đây lắm kẻ quên đường về.
Trong các nàng kỹ nữ, có một nàng kiều nữ, mặt đẹp như ngọc. Nàng không múa bao giờ, chỉ ca hát. Ðặc biệt nàng tự ôm đàn, vừa đàn vừa ca, không hát cùng ai, không để cho ai đàn họa theo. Hàm răng trắng đều, nàng thường nở nụ cười tuyệt đẹp. Khách ra về bâng khuâng không biết lưu luyến tiếng hát hay nụ cười. Tông tích người kỹ nữ này không ai rõ, chỉ biết nàng đã vào kỹ viện rất sớm. Cũng không ai biết ai dạy nàng hát, chỉ thấy mỗi lần hát, nàng đưa hồn vào lời ca tiếng hát, khách nghe đôi khi không biết mộng hay thực. Khách yêu tiếng hát thì nhiều nhưng không ai dám hỏi nàng làm vợ. Còn nàng thì hình như cũng chẳng thiết tha tới ai, sống một mình một bóng.
Ngày qua ngày, người kỹ nữ hát càng điêu luyện, nhưng nàng chỉ còn thích hát một vài bài đắc ý, mỗi lần hát hầu như nàng lạc qua một thế giới khác.
Một buổi chiều kia, trời mưa dầm, nàng cảm thấy cô đơn vô hạn. Khách nghe thì nhiều nhưng thế giới hầu như trống rỗng, vắng lặng. Nàng nhìn mưa rơi tự hỏi “Trời đất bao la thế này thôi sao, trượng phu quân tử chỉ chừng đó thôi sao”?
Nàng bất giác ôm hồ cầm:
Tích tịch tình tang
Vỗ gươm mà hát, nghiêng bầu mà hỏi
Trời đất mang mang ai người tri kỷ.
Lại đây cùng ta cạn một hồ trường
Hồ trường hề! Hồ trường!
Ta biết rót về đâu
Rót về Ðông phương, nước biển Ðông nổi sóng sinh cuồng loạn
Rót về Bắc phương, ngọn Bắc phong heo hút cát chạy đá giương
Rót về Tây phương, mưa Tây sơn từng trận chứa chan!
Rót về phương Nam, trời Nam mờ mịt
Có người quá chén như điên như cuồng[1]
Hát xong lệ tuôn như mưa, khách nghe ngậm ngùi, không ai nói điều gì.
Bỗng trong đám người nghe, có một người khách lạ đứng dậy nắm lấy cây hồ cầm. Người này có vẻ là một lữ hành, áo quần mang nét phong sương, mặt còn trẻ, dáng điệu có chút bối rối. Vừa so dây, người lữ khách vừa nói:
– Mời nàng hát lại bài Hồ trường, lần này ta xin đàn cho nàng hát.
Người kỹ nữ ngỡ ngàng nhìn lữ khách. Nàng chưa kịp nói gì thì y đã tấu lên vài tiếng nhạc. Ðàn hồ cầm vốn quen nhạc réo rắt, nhưng trong tay kẻ lữ hành lại khác hẳn. Âm sắc vang lên ấm như mùa xuân, tươi như hoa nở, sáng như bình minh.
Tích tịch tình tang
Nào ai tỉnh, nào ai say?
Chí ta ta biết, lòng ta ta hay
Nam nhi sự nghiệp ư hồ thỉ
Hà tất cùng sầu đối cỏ cây[2]
Cùng tiếng đàn của người khách lạ, nàng cảm giác như có đôi nam nữ sóng vai nhìn bốn phương tám hướng, niềm cô đơn tan biến tự bao giờ.
Nàng vừa hát xong, còn vương niềm vui sướng, người lữ khách đã đặt cây hồ cầm lại chỗ cũ, nói:
– Ðường vào đạo có tám vạn bốn ngàn ngõ, thanh âm cũng là đạo. Trong các loại thanh âm thì im lặng là thanh âm vi diệu nhất.