Tự dưng bố đem đâu về một gia tài sau những năm đằng đẵng con trâu cái cày. Đúng hơn là sau những năm bố về phục viên do bị ảnh hưởng chất độc hoá học. Với những người giàu có, gia tài ấy chẳng to. Với những người nghèo khó, gia tài ấy không nhỏ. Còn với tôi, một đứa trẻ chưa đầy sáu tuổi, đó là món quà vô giá. Tám chục chú vịt cỏ vừa ra lò được bố tậu về bằng số tiền bán ba ổ trứng gà, dăm thùng thóc bao phay lùn và một phần chiếc xe đạp Đi A Măng—tài sản có giá trị nhất của bố mẹ lúc bấy giờ.
Lũ vịt con thật xinh và ngộ nghĩnh. Lông tơ mịn như nhung, màu sắc độc đáo. Nhìn sơ cũng thấy mấy nhóm màu khác biệt. Có nhóm đen như mực, gọi là vịt chó mực. Nhóm khác nâu bã trầu, gọi là vịt bã trầu. Nhóm nữa lại xám đá—Màu của những hòn đá vôi bên bờ ao. Đẹp nhất là nhóm vàng óng như bột sữa bò. Quê tôi hồi đó, thứ sữa ấy chỉ có người ốm nặng mới được ăn. Lại còn nhóm bò khoang nữa. Gọi vậy bởi chúng có những đốm khoang đen, trắng trên mình. Những đôi mắt đen tròn thao láo nhìn chằm chằm vào bố con tôi ra điều lạ lẫm. Những chiếc mỏ tươi tắn bé xíu liến thoắng rỉa vào đám lông tơ đang phất phơ trên lưng như lối người ta dùng kẹp nhổ râu để bắt rận chó. Thỉnh thoảng, có chú cao hứng vươn cái cổ dài ngây ngô, cố hết sức lao vào đồng đội, hoặc kiễng hai chân rướn đầu lên nhìn ngó xung quanh như những con sóc tinh nghịch quan sát đối phương trong mùa dẻ rụng.
Tôi rất thích được cùng bố cho vịt con ăn cơm bung. Bố giải tấm ni long trắng cứng như tấm cót liếp, được cắt ra từ ruột bao đạm Urê xuống nền đất rồi mở tung chiếc quây. Lũ vịt rộng cẳng lao ra, thoát khỏi vòng tù túng trước khi thưởng thức món ăn sở trường. Bố tập cho các chú thói quen ăn uống nề nếp. Một tay bố đặt xuống nền ni lông, tay kia bốc bỏ từng nhúm cơm đã được trộn nước vào lòng bàn tay đang chờ dưới nền. Lúc đầu, vịt con bỡ ngỡ, mon men đến rìa bàn tay, dúi nhẹ mỏ vào đám cơm nước lẫn lộn thăm dò. Sau khi cảm nhận được hương vị thơm ngát ngọt ngào của thức ăn đó, chúng thọng nấy thọng để. Dều căng tận mang tai. Mấy chú ăn tham quá, cơm tràn ra miệng, đẩy phồng cả dều, không rụt cổ lại được, đứng ngây ra đó. Lúc sau xuôi cơm, chúng mới đi đứng được trở lại. Ngày nào bố cũng cho vịt ăn theo cách ấy. Lũ vịt đã quen với bàn tay bố. Những lần về sau, chỉ cần bố búng búng vào tấm ni lông và giơ bàn tay làm hiệu, cả đàn lại nhốn nháo. Biết là sắp được ăn, chúng xô đạp lên nhau, dồn hết về một phía. Có khi tấm quây vịt tự bung. Bố không cần mở chốt.
Một lần khoái chí, tôi xin bố cho vịt ăn thử. Bố đồng ý ngay. Ôi! Một cảm giác nhôn nhốt khi tôi vừa ngửa lòng bàn tay xuống tấm ni lông. Đàn vịt lao vào, trèo ùa lên đó. Những móng chân non nớt vô thức cứ gại gại. Những chiếc mỏ bé xíu cứ rúc rúc vào bàn tay ấy. Mơn man nơi bàn tay, cái mơn man non nớt, không thể nào tả nổi. Một thứ không thể thiếu trong tôi. Nó làm tôi yêu thương và nhớ nhung đàn vịt vô cùng. Cho dù đi học hay đi đâu chơi, tôi chỉ muốn nhanh chóng về để cho chúng ăn và nô đùa với chúng.
Đàn vịt về được một tuần, tôi xin bố cho đi chăn vịt. Bố tâm đắc lắm, xoa đầu tôi dịu dàng, mỉm cười mà nói: “Thích thì bố cho đi. Con sẽ là thần đồng chăn vịt.” Nào biết thần đồng là gì nhưng nghe vui tai, tôi chẳng đòi bố giải thích. Từ hôm đó, đàn vịt được ra đồng. Bố cho cả đàn vào hai cái lồng tre (gọi là lồng gà), gánh chúng ra một khoảng ruộng bỏ hoang ngập nước ngay trước cửa nhà.
Lần đầu ra nơi hoang vu, vịt con bỡ ngỡ. Trên bờ, chúng xúm lại, chen chúc bên nhau. Không mống nào xông xáo như lúc ăn mồi trong sân. Bố cho vịt xuống nước. Chẳng mống nào chịu xuống. Bố và tôi phải dùng tay đẩy một vài chú xuống trước. Vừa chạm nước, cả lũ rùng mình co dúm, chới với, ngượng ngùng xô vào bờ. Đó là thử thách đầu đời đối với những sinh linh bé nhỏ. Bố nhẹ nhàng đẩy vài ba chú ra xa. Tiếp sau là cả chục chú một bị đẩy xuống, tách biệt hẳn với bờ. Các chú không có cách nào quay trở lại bờ vì số lượng đồng đội bị đẩy xuống nước quá đông. Nhưng cũng nhờ đó, các chú được cảm nhận một cảm giác mới lạ: bâng khuâng, hẫng hụt. Những đôi chân nhỏ xíu giờ đây khua khoáy dưới nước chứ không phải là lon ton trên nền đất cứng. Lũ vịt quen dần với nhịp chèo của đôi chân. Không còn bỡ ngỡ gì nữa, có chú đã bơi đi, tách hơi xa một chút so với đồng đội như để tự mình khám phá xem xa hơn ngoài khơi còn có gì mới lạ.
Cuộc tập duyệt ban đầu kéo dài độ nửa canh giờ. Sau đó hai bố con sắp quang gánh cho vịt trở về. Trên sân, lũ vịt lại đánh chén món cơm bung. Nhưng hôm nay có sự khác biệt. Đàn vịt táo tợn hơn. Những sinh linh non nớt chạy nhảy tung tăng như bị động cỡn. Những móng chân tí hon giờ đây cào cấu thật đau vào da thịt tôi, chứ không còn mơn trớn như trước nữa. Mặc kệ, tôi vẫn rất thích cái cảm giác ấy.