Viết Đảo chìm, Trần Đăng Khoa đã trả được món nợ tinh thần với những người đã đùm bọc, sát cánh với Khoa trong những năm anh là người lính hải quân và có mặt tại tiền tiêu Trường Sa nóng bỏng. Và Đảo chìm đã thắp lửa cho biết bao lớp trẻ trong hơn 3 thập kỷ qua và sẽ còn nhiều năm nữa tiếp tục vững vàng trước thử thách quyết liệt.
Đảo chìm không phải là một tác phẩm to dày để đóng bìa cứng xếp lên giá sách, mà chỉ là một tập sách khiêm tốn gồm 2 phần: Phần 1: ĐẢO CHÌM (chưa đầy 100 trang) và Phần 2: THỜI SỰ VÀ KÝ ỨC.
Với chủ đề bảo vệ chủ quyền đất nước, nhiều cộng đồng mạng đã lấy Đảo chìm làm điểm tựa để cùng nhau trao đổi bàn luận những vấn đề cụ thể về trách nhiệm, nghĩa vụ và việc làm cụ thể…
Gọi tiểu thuyết, nhưng đây lại là truyện thật mà tôi không hề hư cấu, bịa đặt. Chuyện xảy ra ở Đảo Chìm. Nhưng trước khi đến xứ Đảo Chìm, tôi muốn mời bạn đọc ghé qua một hòn đảo nổi. Lính Đảo Chìm gọi là Thủ đô Trường Sa. Thủ đô Trường Sa là một hòn đảo rất bé. Nó bé tới mức, người đời khó mà tưởng tượng được. Đến nỗi, một nhà thơ đã phải thốt lên: “Đảo nhỏ quá, nói một câu là hết” (*).
Tôi đã tới cái hòn đảo “Nói một chữ là hết” ấy. Nó chỉ là một vũng cát lờ phờ, to chừng một cái nong phơi thóc, vừa đủ chỗ để dựng một cái lều bạt dã chiến. Tư lệnh Hải quân Giáp Văn Cương cũng đã đến đây, đã ngủ một đêm trên hòn đảo này trong một chuyến đi tuần biển.
– Vất vả không, các cậu?
Tư lệnh hỏi một cậu lính trẻ, tóc đỏ quạch như tôm luộc, da đen cháy, người chắc nịch như một thỏi sắt đã tôi qua lửa. Cậu lính trẻ cười khì khì:
– Báo cáo bố, cũng tàm tạm thôi ạ!
– Ở đây thì mọi thứ đều thiếu thốn rồi. – Giọng Tư lệnh bùi ngùi – Nhưng cái gì cần nhất, cấp thiết nhất, các cậu cứ nói thẳng với mình. Bộ tư lệnh sẽ tạo mọi điều kiện giúp đỡ các cậu.
– Thế bố cho con được nói thật nhé!
– Ừ, thì phải nói thật chứ! – Tư lệnh mỉm cười. – Chả lẽ tớ già thế này, còn lặn lội vượt sóng gió ra đây với các cậu, để rồi rốt cuộc, lại nghe các cậu nói dối à?
– Nhưng bố không được phê phán con lãng mạn cơ…
– Cái thằng! Tao còn lãng mạn hơn mày ấy!
Anh lính trẻ nhìn mái đầu bạc trắng của Tư lệnh, cười hồn nhiên:
– Thế thì, con đề nghị bố thế này nhé! Bận sau, nếu bố ra đảo, bố chịu khó giắt lưng cho chúng con vài cô gái…
Anh lính trẻ bỗng bối rối trước cái nhìn ngỡ ngàng của Tư lệnh. “Thì con đã vòi bố trước rồi, là bố phải tha thứ cho con, không được phê phán con lãng mạn”.
– Chúng mày muốn nghe hát hả? Muốn xem văn công hả?
– Không, không! – Anh lính bỗng luống cuống. – Con đâu dám có voi đòi tiên! Văn công xem ra xa vời quá! Chúng con chỉ muốn bố mang ra đây vài cô nuôi quân thôi! Các cô ấy chẳng phải hát hò gì. Chỉ mặc tấm áo phin trắng, cái quần lụa đen, đi phơ phất trên đảo, để chúng con ngắm, chúng con “chỉnh” mắt. Chứ mắt mũi chúng con, bố thấy đấy, sang vành hết cả rồi!..
Tư lệnh cười ha hả. Anh lính trẻ cũng cười. Chưa bao giờ tôi được nghe cuộc đối thoại kỳ lạ như thế. Sau đó, quả như niềm ao ước của anh lính trẻ, các cô gái lần lượt ra thăm đảo. Không phải cánh nuôi quân mà các cô văn công mặt hoa da phấn hẳn hoi. Trông cô nào cũng đẹp, cũng thơm phức và lộng lẫy như những nàng tiên cá. Các cô múa hát và khâu vá cho chiến sĩ. Nhiều anh áo quần còn mới nguyên, cũng bí mật xé ra, rồi nhờ các cô vá. Thế là từ đấy, lần nào Tư lệnh ra đảo, các chiến sĩ cũng được dự những bữa tiệc mắt linh đình. Nhưng đó là chuyện sau này, còn chiều ấy, ngồi bên Tư lệnh trên mặt cát nóng bỏng như rang, mặc dù mặt trời đã lặn xuống biển lâu rồi, anh lính trẻ quê xứ Nghệ thực sự coi Tư lệnh như một người đồng đội thân thiết. Anh lắc lắc đầu gối Tư lệnh:
– Bố thấy Vương quốc của chúng con thế nào?
Tư lệnh đưa mắt nhìn suốt rẻo cát trống trơn, rồi lại nhìn cái lều bạt dã chiến cứ hộc lên trong gió tựa hồ một con ngựa bất kham, đang lồng lộn như muốn rứt tung mấy sợi xích sắt căng ghì xuống đảo mà phóng đi cùng bầy gió hoang dã.