Qua cuốn “Cửu Long Cạn Dòng Biển Đông Dậy Sóng”, tác giả Ngô Thế Vinh đưa người đọc theo ông vào cuộc hành trình kéo dài nhiều năm dọc theo bờ sông Cửu Long, bắt họ phải đối diện với con sông giờ đã trơ đáy cạn dòng, với sự ô nhiễm làm hủy hoại thủy sản thiên nhiên, vắt cạn nguồn nuôi sống người dân 7 quốc gia, trong đó có người dân Việt Nam.
Sách gần 700 trang, với 23 chương và hàng trăm hình ảnh, được viết theo lối tiểu thuyết ký sự, mà tác giả gọi là “dữ kiện tiểu thuyết” (tiểu thuyết nhưng chứa đựng nhiều dữ kiện và tài liệu thực), ghi lại hành trình của tác giả dọc theo dòng sông Cửu Long, trong đó những nhân vật hư cấu của câu chuyện tìm về khởi nguồn của dòng sông ở Tây Tạng, và theo dòng sông, đi xuyên qua các nước Trung Hoa, Miến Điện, Lào, Thái Lan, Cam Bốt và Việt Nam, ở cuối nguồn.
Tác giả Ngô Thế Vinh đã khôn khéo giúp người đọc vượt qua nỗi ngại ngùng trước cuốn sách khảo cứu dầy cộm, bằng cách chia kết quả của công trình nghiên cứu nhiều năm thành những chương riêng biệt, với những tựa rất nhẹ nhàng, nên thơ như: “Đi ra từ nguồn nước thiêng,” “nụ cười Bangkok và nước mắt đức Phật Thích Ca,” “trở về Pattivattna với những cánh đồng chết,” ‘bên trời tiếng hạc kêu thương,” “lên với bình minh tạ lỗi với điêu tàn,” “từ cây cầu khỉ hai huyện tới cầu Mỹ Thuận năm 2000,” và “tìm về phương Đông địa đàng lại đánh mất.”
Qua hàng trăm hình ảnh và tài liệu dẫn chứng, qua tâm trạng của các nhân vật, mỗi chương trong cuốn “Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng” là một cuộc phiêu liêu, một câu chuyện ngắn, một biên khảo công phu, một tài liệu phong phú về địa lý, lịch sử, phong tục và tập quán của nhiều giống dân.
Mọi nhận xét của tác giả được ghi chép tỉ mỉ, trình bày với giọng văn xúc tích, thấm thía mà nhẹ nhàng, khiến người đọc, cho đến khi bỏ sách xuống, vẫn không biết được nỗi ưu tư trĩu nặng đã len lỏi vào tâm trí họ từ lúc nào.
Chỉ biết họ thấm thía với lời phát biểu của đức Đạt Lai Lạt Ma khi ông đề cập đến vấn đề môi sinh với một tầm nhìn toàn cầu, mà tác giả ghi lại: “Hòa bình và sự sống trên trái đất đang bị đe dọa bởi những hoạt động của con người thiếu quan tâm tới những giá trị nhân bản. Hủy hoại thiên nhiên và các nguồn tài nguyên thiên nhiên là do hậu quả của lòng tham và thiếu tôn kính đối với sự sống trên hành tinh này.”
“Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng” không chỉ là một tiểu thuyết ký sự, một biên khảo công phu, mà còn là tiếng kêu cứu khẩn thiết của dòng sông đang bị bức tử vì tham vọng của con người.