Người đi đường Bạc Liêu [1] xuống Gia Rai, ra khỏi Châu Thành chừng mười cây số, ngó qua phía tay trái thì thấy một cánh đồng rộng mênh mông không cây, không xóm, trải một màu vàng khè, cách xa-xa mới có pha một vạt xanh-xanh với ít con trâu đứng sừng-sựng cúi đầu ăn cỏ; còn ngó qua phía tay mặt thì thấy một xóm nằm dài trên một ngàn thước, kêu là xóm Láng Dài, nhà chen ở khít nhau mà xóm ít cây nên nóc nhà nổi hẳn lên, ở xa coi như đám núm rơm mới mọc.
Ở đầu Láng Dài, phía mặt trời mọc, có một cái nhà lá nhỏ hai căn một xép, trước là một cái sân trồng ba cây đu-đủ với ít cây ổi, trong nhà, chính giữa có một bàn thờ, hai bên lót hai bộ ván dầu với vài cái ghế; còn phía trong buồng thì có hai cái giường, lại có một đống lúa ước chừng vài chục giạ. Nhà tuy nghèo, song ngoài sân quét sạch-sẽ, trong nhà dọn vẻn-vang, đến căn xép, là chỗ để bếp nấu ăn, mà cũng chẳng hề có một cọng rác.
Cái nhà nầy là của thím Lý Thị Phòng, hồi trước là vợ của thầy giáo dạy chữ nho, tên là Đặng Phi Điểu, mà bây giờ là tá điền của ông cựu Hương-cả Tô Hồng Hoàng.
Ông Đặng Phi Điểu gốc ở Quảng Nam, cách hai mươi lăm năm trước, ông vào ngụ tại xóm Láng Dài mà làm thầy thuốc và dạy riêng người trong xóm học chữ nho. Ở được ít năm, ông coi thế làm ăn lâu dài được, ông mới nói mà cưới Lý Thị Phòng, là con gái một nhà nghèo trong làng, rồi vợ chồng ăn ở với nhau, chồng lo dạy học, hốt thuốc, vợ lo cấy gặt làm ruộng lần lần sanh đặng một đứa con gái và hai đứa con trai.
Khi đứa con út mới nên ba tuổi thì ông Đặng Phi Điểu từ trần, bỏ lại một vợ góa với ba con dại. Nhờ ông Đặng Phi Điểu bình sanh ăn ở nhỏ nhoi, lại nhờ thím Lý Thị Phòng tánh tình chơn chất, bởi vậy trong xóm ai thấy mấy đứa nhỏ côi cút cũng đều thương.
Thím Lý Thị Phòng người ta thường kêu là thím giáo Điểu, một mình lo làm ruộng nuôi con, ruộng thì mướn của ông cựu Hương-Cả Tô Hồng Hoàng mà làm, mỗi năm đong lúa ruộng [2] rồi thì còn dư được chừng năm ba chục giạ.
Năm 1928, là lúc bắt đầu thuật truyện nầy, thì thím giáo Điểu đã được 39 tuổi, còn đứa con gái lớn của thím, tên là Đặng Thị Hảo, được 18 tuổi, đứa con trai giữa, tên Hòa được 12 tuổi và đứa con trai út, tên Hiếu, được 7 tuổi.
Một buổi chiều, thím Giáo nghe nói vợ Hương Hào Cao ở đầu xóm trên đau, nên thím đi thăm. Thằng Hòa dắt thằng Hiếu ra trước sân, lựa chỗ bóng mát rồi lấy chà tre [3] với lá ổi tập cất nhà mà chơi.
Đặng thị Hảo ở nhà một mình, cô buồn nên nằm trên võng đưa cọt-kẹt, mặt buồn hiu. Tuy cô là con nhà nghèo, thường ngày phải nấu cơm, xách nước, bửa củi, quét nhà, đến mùa làm ruộng lại còn phải phụ với mẹ mà cấy gặt, song cô đã sẵn có dung nhan tuấn tú, nước da trắng đỏ, cặp mắt sáng ngời, gò má như miếng bầu, chơn mày như bán nguyệt, bàn tay dịu nhĩu mà ngón lại thon như mũi viết, mái tóc đen thui mà hơi quăn như dợn sóng, tướng đi yểu điệu, tiếng nói trong ngần, bởi vậy dầu cô lam lũ mà sắc cô không phai, hết thảy đờn bà trong làng ai cũng trầm trồ khen cô là gái đẹp. Cô đã có sắc, mà lúc còn nhỏ nhờ có cha kềm dạy, nên cô lại biết chữ nho, biết làm thi nôm, sự học thức ấy làm cho cao phẩm giá của cô, bởi vậy những con nhà nghèo, hoặc con hương-chức nhỏ trong làng không có một mặt nào dám gắm ghé.