Tìm thấy câu trả lời và lời cảm ơn!
Khép lại cuốn sách của anh Hoàng Long, những lời nhắn gửi, những mẩu chuyện tâm sự của “ông bố” vẫn ẩn hiện trong tôi với nhiều cảm xúc thật đẹp. Và tôi thầm muốn nói “Cảm ơn anh”!
Làm “mẹ” được một thời gian nên tôi thấu hiểu những nỗi lo, quan tâm của người mẹ dành cho con. Suy tư của người bố, cách thể hiện yêu thương của người bố… với tôi, đôi khi hãy còn xa lạ. Nếu chị em phụ nữ, trong khoảnh khắc đắn đo nào đó, tự hỏi rằng “họ, những ông bố – những người đàn ông của xã hội bận rộn kia, họ không ‘mang nặng, đẻ đau’, liệu họ có đủ tâm lý/hiểu/chăm lo/yêu thương đứa con?” Câu trả lời tôi đã tìm thấy trong cuốn sách của anh.
Làm bạn với anh đã mười mấy năm nay, vẫn luôn thấy anh là người đàn ông nhiệt huyết, luôn lạc quan, yêu đời, luôn cầu tiến và dĩ nhiên cầu toàn. Nhưng qua những dòng chữ, những câu chuyện của một “tuổi thơ dữ dội” được anh minh họa rất sống động và dí dỏm trong cuốn sách này, không những tôi hiểu hơn nguồn gốc của những phẩm chất ấy, mà những trang sách còn cho tôi thấy, anh – “ông bố” cũng có lúc yếu đuối, “bé nhỏ” nhường nào trước những “quà tặng của cuộc sống” – các con!
Vẫn luôn biết anh có thiên phú thơ văn. Nhớ thời sinh viên, mỗi khi nghe anh đọc thơ, trích văn, viết lời nhạc chỉ trong tích tắc mà bài thơ, câu văn trọn vẹn nghĩa từ, vần điệu, chúng tôi hay đùa “anh này có cái máy đánh chữ sản xuất chất lượng cao trong bụng’’. Nhưng hôm nay, những câu chuyện về cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, về giai thoại gia đình dưới cái nhìn của “ông bố” trong cuốn sách đã mở ra cho tôi thấy nơi anh, một khía cạnh tâm lý sâu sắc; không phải kiểu tâm lý lý thuyết mà là của sự quan sát, suy nghĩ, tôn trọng, hướng thiện và yêu thương!
Thật vậy, nếu cũng như tôi, bạn may mắn được bước vào không gian của Cùng nắm tay cha, nào ta khôn lớn , bạn sẽ dễ dàng đồng cảm với tâm sự của tác giả. Cuốn sách không mang dáng vẻ dạy đời hay truyền đạt. Vì mỗi bậc làm cha mẹ, với nền tảng, vốn sống có được và đầy ắp tình yêu thương, sẽ luôn mong muốn mang đến cho con những điều tốt đẹp nhất. “Lý thuyết” là vậy, “thực hành” không phải chuyện giản đơn, nhất là trong xã hội phát triển ngày nay. Trồng cây vốn đã khó, chăm tưới nước, tỉa cành, bắt sâu thì cây mới đẹp, mới khỏe; “trồng người” lại là thử thách và trách nhiệm trăm năm. Người đời khen con là gián tiếp khen cha mẹ. Con có thành đạt, cuộc sống con có được bao bọc bởi tình bạn, tình người nhân ái thì gián tiếp cha mẹ cũng được “thơm” lây, phải không?
Cha mẹ là nền tảng cho nhân cách của con! Như cái móng nhà vậy, có tốt có chắc thì con sẽ đủ khả năng xây cao, cao ra sao sẽ là bản thân con tự quyết. Về câu hỏi “Bố mẹ mong đợi gì từ các con?” (Chương 2) tôi muốn trả lời thế này: “Con hãy tỏa sáng cho con, cho tương lai của con, cho xã hội và cho cuộc đời”!
Vậy nên, cảm ơn anh vì đã trải lòng tâm sự, chia sẻ quá khứ và hiện tại, để chúng ta cùng đón tương lai với nhiều yêu thương!