Văn học nghệ thuật của một đất nước thì mang những đặc trưng riêng của đất nước đó. Tuy nhiên trong quá trình phát triển văn học nghệ thuật cũng chịu những tác động của các yếu tố bên ngoài, vì thế khi thì nó phát triển theo con đường đúng đắn, có khi lại đi lệch hướng. Và sự lệch lạc đó trong văn học nghệ thuật nó cũng gây những tác động tiêu cực tới nếp sống và cách suy nghĩ của con người.
Trong tiểu thuyết “Cư kỉnh” tác giả Hồ Biểu Chánh đã nói lên được thực tế đó ở Việt Nam thời gian đầu thế kỷ XX. Nhân vật Chí Cao trong “Cư kỉnh” là một điển hình cho sự băng hoại đạo đức của một bộ phận trí thức thế kỷ XX. Chí Cao – một tiểu thuyết gia tên tuổi được nhiều độc giả biết tới, nhưng anh đã lợi dụng văn chương để làm u muội và lừa gạt tình cảm độc giả của mình. Cuối cùng anh đã phải trả giá cho những việc không tốt mà anh đã gây ra.
Với cách hành văn giàu chất Nam Bộ, lối nói nhẹ nhàng thủng thỉnh, ngôn từ giản dị, trong khoảng hơn năm mươi trang nội dung Hồ Biểu Chánh đã cho ta thấy được phần nào sự phát triển văn học Việt Nam thời kỳ đầu của thế kỷ XX và sự suy đồi nhân cách của một bộ phận trí thức thời kỳ đó. Tiểu thuyết giàu giá trị phê phán đồng thời cũng giúp ta sáng tỏ một chân lý sống: Gieo nhân nào thì hái quả đó, gieo gió thì phải gặp bão. Vì thế mà Chí Cao lừa gạt tình cảm của cô Túy đã phải trả giá bằng chính mạng sống của mình.
Mấy ý nghĩ về nhà văn HỒ BIỂU CHÁNH
Từ những năm đầu thế kỷ 20, trải qua hơn nửa thế kỷ, cho đến nay, tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh vẫn còn “ăn khách”, trong khi nhiều tác phẩm của một số không ít nhà văn nổi tiếng cùng thời với ông hầu như đã bị đẩy lùi vào quá khứ, khó thể tìm được một số độc giả đông đảo lâu dài như ông. Với số lượng tiểu thuyết quá dồi dào , Hồ Biểu Chánh là một trong những tiểu thuyết gia nổi tiếng hàng đầu ở miền Nam mà tác phẩm từng được phổ biến rộng rãi, trở thành món ăn tinh thần quen thuộc của đa số quần chúng trên vùng đất phương Nam tổ quốc.
Người ta tha hồ chỉ trích lập trường chính trị của “ông quân” Hồ Văn Trung, nhưng không ai có thể xóa mờ tên tuổi “nhà văn” Hồ Biểu Chánh trong lòng người đọc cũng như trong lịch sử văn học Việt Nam thời cận đại. Hồ Biểu Chánh phải đâu là trường hợp duy nhứt trong quá khứ văn học nước nhà! Một Nguyễn Du với lập trường chính trị không mấy tốt đẹp, ăn lộc nhà Lê rồi khuất thân phò nhà Nguyễn, chống lại cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, vậy mà kiệt tác Truyện Kiều của ông xưa nay vẫn được nhơn dân đề cao hết mức. Một Xuân Diệu từng làm nhơn viên sở Quan thuế thời Pháp thuộc, vậy mà đương thời những bài thơ đầy tính chất lãng mạn trữ tình của ông không hề bị ai xóa bỏ vì lý do ông làm việc cho chính quyền thực dân. Xưa nay còn biết bao trường hợp na ná như thế. Vậy, nếu chỉ vì làm quan thời thực dân cai trị mà mọi công trình trứ tác của Hồ Biểu Chánh đều phải “thủ tiêu”, đồng hóa triệt để con người làm chính trị với con người làm văn hóa, phải chăng đó là trường hợp ngoại lệ, thiếu công bình đối với một người cầm bút có ý hướng dùng văn chương cải thiện con người như Hồ Biểu Chánh?
Hiện nay, tại thành phố đông dân nhứt ở miền Nam, có một con đường còn mang tên Hồ Biểu Chánh, trong khi nhiều tên đường khác, đã bị thay đổi. Điều đó phải chăng có ý nghĩa mặc nhiên xác nhận giá trị phần đóng góp của ông vào gia tài văn học nước nhà?
Bản thân chúng tôi nhận thấy có biết bao người từng là độc giả trung thành của nhà văn Hồ Biểu Chánh mà nào họ có phản lại quê hương, không ít nhà văn lớp sau từng xả thân vì nước mà vẫn chân thành thú nhận mình đã học tập nghề viết văn nhờ đọc các sáng tác của tiểu thuyết gia Hồ Biểu Chánh. Chúng tôi thật ngạc nhiên vô cùng khi đọc thấy có người đề nghị chối bỏ cái di sản văn học khá dồi dào, đặc sắc của Hồ Biểu Chánh, chỉ vì ông là một công chức cao cấp thời Pháp thuộc!
Điều ấy đúng hay sai, nghĩ như vậy có hẹp hòi và cực đoan hay không, ở đây chúng tôi không muốn dài dòng tranh luận. Xin dành quyền phê phán cho độc giả.
Vấn đề chúng tôi muốn đặt ra là do đâu mà tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh còn đứng vững được trải qua một quãng thời gian dài gần hai phần ba thế kỷ. Tại sao người đọc hiện nay, nhứt là quần chúng ở nông thôn, vẫn còn thưởng thức say mê một số truyện của ông viết, dù văn chương của ông thuộc vào loại “xưa” rồi?
Thường người ta chê văn ông quá chất phác, trơn tuột nhờ lời nói hay kể lể dài dòng, thiếu trau chuốt, súc tích. Chúng tôi nghĩ đó là một đặc tính thường có của văn chương Nam bộ hồi đầu thế kỷ 20, và Hồ Biểu Chánh đã cố ý viết một cách thiệt thà tự nhiên theo ngôn ngữ đại chúng. Nhưng nào có phải vì vậy mà truyện của ông trở nên vô vị, không gây hứng thú cho người đọc đâu. Đọc văn Hồ Biểu Chánh, ta có cảm tưởng như nghe ông già bà cả ở thôn quê kể lại những điều hằng xảy ra trong cuộc đời thực tế, chủ ý truyền bá kinh nghiệm sống cho mọi người, để khuyến thiện trừng ác, bằng giọng nói từ tốn thật thà, không một chút khoa trương giả dối. Những tình, những cảnh, những con người cùng bao nhiêu sự việc trong tiểu thuyết của ông phần lớn rất gần gũi quen thuộc với quần chúng, giúp người đọc hình dung lại cả một bối cảnh sinh hoạt đầy hiện thực sống động mà dường như chính mình từng mắt thấy tai nghe hoặc từng đóng một vai tham dự. Cho nên, dù văn của Hồ Biểu Chánh có xưa, có lỗi thời, có nôm na, truyện của ông vẫn cứ còn là những bức tranh “truyền thần” khá chính xác về xã hội miền Nam trong một giai đoạn lịch sử đã qua. Có lẽ chỉ khi nào dĩ vãng chẳng còn liên quan với hiện tại, con người hôm nay không cần nhìn lại quá khứ của dân tộc, tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh mới thật sự không tìm ra người đọc và mới đáng không cho phổ biến.
Theo thiển ý, phần lớn tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh chưa bị người đọc chán bỏ chính vì tác phẩm của ông còn đủ sức gây xúc động trong lòng người và đưa tâm hồn người ta hướng thượng. Bất kỳ một tác phẩm văn học nào mà khi đọc nó người ta còn bị xúc động, còn rung cảm theo từng sự việc do nhà văn miêu tả, và khi đọc xong rồi, tâm hồn người ta có phần bị cảm hóa hướng về chân- thiện-mỹ, lánh xa những tội ác thấp hèn, thì tác phẩm ấy đáng gọi là “lành mạnh”, có giá trị góp phần xây dựng con người không nhiều thì ít. Đa số tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh hầu như đã hội đủ hai điều chánh yếu ấy, cho nên dù văn phong “cũ mèm”, kết cấu quá cổ điển, tác phẩm của ông vẫn thừa sức gây thích thú cho người đọc, không tác hại chút nào đến tâm hồn người xem.