Vào khoảng những năm 1965-1967 tôi được quen biết anh Lê văn Diện, tức là ký giả Lương Ngọc, trong các sinh hoạt đấu tranh chống lại văn hóa nô dịch của chế độ cũ, ở Sài Gòn này. Anh thuộc lớp những người kháng chiến về thành hoạt động báo chí sau ngày ký kết hiệp định Genève và bị Diệm – Nhu bắt giữa khoảng năm 1955, giam ở Mỹ Tho, vụ án được nói đến nhiều vào thời điểm đó.
Đến năm 1967, khi bị nhốt ở biệt giam của Sở Công an Thành phố tôi lại gặp anh trong số những người ký giả quen thân bị bọn Thiệu – Kỳ bắt giữ.
Sau khi chúng tôi rời khỏi nhà lao Tân Hiệp để trở về nhà, vào khoảng đầu năm 1971, anh Lương Ngọc có đem đến cho tôi xem tập tư liệu khá dày ghi chép những điều về chó – chó ta cũng như chó Tây – toàn những chuyện chó bảo đảm có thực, biểu dương bản chất thông minh và có tình có nghĩa của giống toài này. Anh Lương Ngọc là con người uyên bác, đa tài, không chỉ giỏi nhiều bộ môn nghệ thuật còn có cái vốn hiểu biết khoa học khá rộng và vốn sinh ngữ dồi dào. Con người cực kỳ thông minh và mẫn tiệp đó, có một nghị lực ít thấy, lại sống cuộc đời đạo đức gần như theo sát với những quy phạm khô cứng nên dễ cảm thấy bi phẫn sâu xa trước những thế tình điên đảo của thời buổi đó. Phải chăng như Bồ Tùng Linh của Trung Hoa xưa, ngán ngẩm về những người sống đương thời nên quay trở lại ca ngợi chồn cáo, hồ ly cùng các yêu ma trong tập Liêu trai, anh Lương Ngọc muốn giải tỏa những điều bi phẫn nơi mình nên bỏ thời gian sưu tầm chuyện chó?
Trong sự tế nhị của mối giao tình tôi không dám hỏi thẳng anh điều ấy. Nhưng quý tấm lòng anh đã đem đến cho tôi xem tập tư liệu, và tưởng chừng như đã cảm thông được phần nào tâm sự của anh, tôi đã xin anh cho phép tôi được tự do lựa chọn trong mớ tư liệu dồi dào để viết nên một truyện vừa với một chủ đề nhất định: trong một hoàn cảnh mà khá nhiều người gần như mất đi ý niệm Tổ quốc, có những giống loài bị xem hạ đẳng – là loài chó má – vẫn sống trọn vẹn nghĩa tình, vẫn luôn hướng về lẽ phải trên cuộc đời này. Chúng ta không chỉ trân trọng truyền lưu cái đẹp tinh thần của những con người, không chỉ chăm sóc giữ gìn vẻ đẹp thiên nhiên của những thắng cảnh danh lam, mà còn bổn phận phát hiện, bảo tồn tất cả những gì tốt đẹp ở trong muôn loài – những người bạn sống với ta trên mặt hành tinh – đặc biệt là những giống loại gần gũi, đã từng góp phần công sức với người trong việc phát triển sự sống vô cùng kỳ diệu.
Trong những điều kiện giới hạn nhất định, tôi đành tiếc rẻ gác lại tất cả những chuyện về chó nước ngoài để chọn những chuyện về chó Việt Nam, và muốn nhiều người còn sống ở đất Tiền Giang xinh đẹp, kiên cường – quê hương của anh Lương Ngọc – có thể kiểm chứng sự thực về các chuyện này, tôi chỉ nhắc lại chuyện con chó Vá dắt dẫn một người giao liên Cách mạng qua các phường phố Mỹ Tho, và con chó Quít của gia đình anh – ở Lương Hòa Lạc – cùng hai con chó kế truyền.
Vì vậy tiếng “tôi” ở trong tác phẩm là của chính anh Lương Ngọc kể những chuyện chó quen thuộc trong thời thơ ấu của mình. Và tác phẩm này đã được ấn hành lần đầu, vào giữa tháng 3 của năm 1973, tái bản lần thứ hai vào năm 1988, lần thứ ba, nhờ nhiệt tình giúp đỡ của đồng chí Lê Vũ Hùng, giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Tháp, quyển sách lại được gặp gỡ bạn đọc trong toàn quốc, và đây là lần thứ tư, Công ty cổ phần CADASA, chúng tôi muốn cho tái bản để giúp các bạn đọc trẻ hiểu biết về một con vật của quê hương mình, con chó hào hùng.