Lật từng trang Cơm và Phở, tưởng chừng như chúng ta đang chạm vào những con người bằng xương bằng thịt, nghe họ thở, ăn, uống, dối lừa… Từ những bậc thánh nhân cổ đại, các ông vua thời Chiến Quốc đến các quý bà quý nương, những cầu thủ bóng đá hôm nay… đều được vẽ chân dung một cách hài hước trong tập sách.
Nhà văn Xuân Sách – tác giả của “Chân dung nhà văn” – đã gói nhân gian trong một điệu cười, ba phần dí dỏm, bảy phần giễu nhại. Nhưng ẩn sâu là rưng rưng cay cực. Chuyện tưởng chừng như đùa mà thật, tưởng như xa xôi mà bày ra trong từng khoảnh khắc ngày sống…
188 tiểu phẩm hài hước mà sâu cay được chia 3 phần: “Tích cũ tuồng nay”, “Cơm và phở”, “Thị phi” đã đụng vào những vấn đề nhức nhối của xã hội như: Nạn tham nhũng, sự vô trách nhiệm trong công việc, thói nịnh bợ, lọc lừa, trăng hoa…
Mượn chuyện xưa để nói chuyện nay, tác giả khiến nhiều người giật mình. Trong tiểu phẩm “Gương thanh liêm”, vua nước Lỗ sai Lỗ Khuất sang học hỏi kinh nghiệm của vị quan thanh liêm nổi tiếng nước Tề là Lâm đại phu để về phổ biến trong nước. Sau khi gặp gỡ, trao đổi với Lâm Đại Phu, Lỗ Khuất lấy làm kinh ngạc vì vị quan này nổi tiếng thanh liêm, chính trực thì lấy đâu tiền để cả gia đình sống rất sung túc, an nhàn. Ông chỉ vỡ lẽ khi Lâm đại phu tiết lộ: “Khoản kinh phí ông hỏi là do vua bí mật cấp cho tôi để tôi làm tấm gương thanh liêm, chứ lương lậu thì nuôi mình tôi còn chẳng đủ” (!).
Chuyện “chán cơm thèm phở” của đàn ông là đề tài muôn thuở trong văn chương, xã hội. Nhưng với Xuân Sách “Cơm và phở” không chỉ là chuyện “vợ và bồ” mà còn là chuyện gia đình, vợ chồng, cha mẹ, con cái… Những góc nhìn hóm hỉnh của ông góp phần giúp người đọc hiểu những nguyên nhân khiến gia đình không yên ấm để từ đó, rút ra bài học kinh nghiệm cho bản thân. Chẳng hạn, người đọc cảm thấy thú vị với câu trả lời của ông chồng khi bị vợ chất vấn tại sao lại có bồ nhí: “Mấy chục năm bà độc quyền ở nhà này, cho ăn tôi được ăn, cho ngủ tôi được ngủ, bắt cởi trần phải cởi trần, cho may ô mới được phần may ô. Vì thế tôi mới phải lập thêm một địa chỉ để hai bên cạnh tranh dụ dỗ chiều chuộng, tôi trở nên đắt giá” (Một cuộc đối thoại).
Ở đời, có những chuyện thật mà tưởng như chuyện đùa, chuyện đùa như thật. Những câu chuyện thị phi ấy được Xuân Sách kể lại một cách thâm thúy. “Nhập gia tùy tục” là chuyện về một huấn luyện viên (HLV) nước ngoài được mời về phụ trách đội tuyển bóng đá quốc gia đã phạt cầu thủ đến trễ rất nghiêm khắc. Các cổ động viên bàn luận và đưa ra những biện pháp để vị HLV này hiểu đến trễ là chuyện bình thường ở nước ta, giúp ông ấy “nhập gia tùy tục” để có thể ở lại xứ ta lâu hơn những ông khác… Một anh chàng luôn dừng xe đúng qui định khi thấy đèn đỏ dù nắng hay mưa, dù có công an hay không. Anh ta được phong tặng là “Người dũng cảm nhất” trong cuộc thi “Người dũng cảm”…
Từng sự việc, con người hiện ra một cách sống động trong gần 400 trang sách khiến người đọc cười mà đau. “Cơm và phở” là một tác phẩm trào lộng đặc sắc.