Trong thời gian qua, tiểu thuyết “Cơ hội của Chúa” cũng giống như một số tác phẩm khác đã tạo ra hai luồng định giá trái ngược nhau. Trong thời buổi này, trong mênh mông sách vở và các phương tiện giải trí khác, mà người ta, từ già đến trẻ, từ trong Nam đến ngoài Bắc, vẫn kháo nhau tìm đọc một quyển sách gần 500 trang, của một tên tuổi xa lạ, lại còn bàn luận xôn xao…, không có “văn tài”, không thể tạo ra được một hiệu ứng như vậy, nhất đó lại là tác phẩm sáng tác chứ không phải loại chuyện giật gân, hoặc kiểu viết lách thóc mách, tọc mạch. Chính cái văn phong chững chạc, biến hóa, đầy ấn tượng, mạch văn gọn, ý tưởng nhiều, những mảng hiện thực được phản ánh đúng… của cuốn tiểu thuyết đã tạo ra được như vậy.
Đã có những tác giả phê phán “Cơ hội của Chúa” triết lý quá nhiều. Tôi thấy việc triết lý nhiều hay ít trong tác phẩm không có lỗi, bởi một tác phẩm có tầm khái quát và tầm cao triết lý luôn là sự phấn đấu và mơ ước của nhiều người viết. Chỉ có điều cần phải xem là sự đúng sai, cũ mới, cao thấp của những vấn đề đó. Có tác giả phê phán “Cơ hội của Chúa” như một sân chơi của nhóm trí thức lưu manh. Tôi cũng không đồng tình cho lắm, ở chỗ, việc viết về những nhân vật tốt hay xấu đâu có là vấn đề phải bàn đối với người viết. Người viết chỉ đáng bị chê trách khi xây dựng một nhân vật xấu lại không thành một nhân vật xấu mà thôi. Về mặt nào đó, một số nhân vật trong “Cơ hội của Chúa” đã được xây dựng khá thành công, có thể còn là hình mẫu cho khá đông một lớp người trong cuộc sống hiện nay. Đó là những con đẻ của chủ nghĩa thực dụng, những thị dân lọc lõi, bon chen, giành giật, chơi trội… Nhưng họ chưa phải là những kẻ lưu manh thực sự. Họ vẫn giữ được những đức tính tốt cơ bản như: tình mẹ cha, anh em, bạn bè, sự trung thực, sòng phẳng trong đối xử cá nhân, sự căm ghét cái giả trá, lươn lẹo… Chỉ có điều quan niệm của họ về đạo đức, tình yêu, tình dục, về cách thức làm ăn… Có “thoáng” hơn lớp cha anh xưa. Về tên cuốn tiểu thuyết, có người khuyên Hà không nên đặt là “Cơ hội của Chúa”.
Theo tôi, với điều mà tác giả muốn gửi gắm, cái tầng ý tưởng sâu nhất mà tác giả muốn thể hiện, thì không tên nào phù hợp bằng cái tên đó, cũng như hai màu giai thoại, hai câu chuyện cổ cũng được tác giả cài đặt khéo léo, chúng có một ý nghĩa thống nhất với các ý tưởng tác giả muốn gửi gắm ở cái tên sách kia. Khi đặt mình vào vị trí của người sáng tác, khi vò đầu bứt trán mà vẫn không viết nổi một câu văn của riêng mình, thì để đạt được những điều như Nguyễn Việt Hà vừa kể trên cũng không dễ. Một người ít học ít đọc không có tài văn không thể viết được một cuốn sách như “Cơ hội của Chúa”. Mặc dù vậy, ai cũng biết, giá trị của một tác phẩm không chỉ ở chỗ khéo viết, văn hay chữ tốt, mà còn ở tư tưởng của tác phẩm, khả năng tái hiện cuộc sống sống động như thế nào. Tiếc là ở mặt này, Nguyễn Việt Hà vừa có điểm mạnh lại vừa có điểm yếu. Mạnh vì anh có tri thức, nhưng cũng yếu vì tri thức ấy vẫn chưa đủ cao, đủ sâu để giải quyết thỏa đáng những bài toán về tư tưởng mà anh đặt ra vào thời điểm hiện nay.