Chiếc lồng đèn và kí ức tuổi thơ
Tuổi thơ.
Dù tuổi thơ của một ai đó đã từng sống trong nhọc nhằn, nghèo khó hay trong sự nuông chiều, buông thả, nghịch phá… và bị người lớn la rầy: “Con là đứa trẻ hư”… Tôi tin rằng những hình ảnh ấy, khi hồi ức lại, vẫn đẹp như một giấc mơ, vì lẽ nó đã qua những lăng kính rung động một cách nhạy cảm nhất của tuổi thơ. Cái tuổi mà ai cũng muốn quay trở lại để hồn nhiên, để thơ ngây, để biết rằng mình ngày càng xa, càng mất hút những kỉ niệm đẹp nhất của đời người.
Hồi ức và váng vất một ngậm ngùi.
Vì lẽ, xu thế xã hội bây giờ đang hướng tới đô thị hóa, mau chóng tiếp cận với nền văn minh công nghiệp. Thế giới phẳng ngày càng mở ra gần như không giới hạn để con người có thể thấu hiểu nhau. Vì thế, người ta chỉ có thể chia sẻ, đồng cảm với nhau qua thế giới ảo? Cảm xúc nối tiếp cảm xúc, rồi nhanh chóng lướt qua để con người lại nôn nóng kiếm tìm những cảm xúc mới lạ khác.
Chiếc lồng đèn của má của họa sĩ Khởi Huỳnh với văn phong mộc mạc, đơn sơ, đầy cảm xúc tác giả dẫn dắt ta về thế giới của hồn nhiên, của lung linh, của sự rưng rưng, của mênh mông tình người trong bối cảnh một làng quê khó nghèo…
Dù lung linh, mờ ảo nhưng đó là thế giới thực.
Đó là ngày đầu tiên đi học: “Mùa này trời bắt đầu mưa sòng nên bờ ruộng rất trơn. Má cõng tôi trên lưng, một tay xách giỏ đệm đựng cơm, một tay choàng ra sau giữ người tôi. Hai ngón chân cái của má lúc nào cũng bấm xuống đất như hai cái thắng xe mỗi khi bị trợt chân. Hai bên bờ là lau sậy chúng kêu lào xào mỗi khi gió thổi. Má kêu tôi tựa mặt vào lưng má kẻo bị lá sậy cắt mặt. Tôi tựa mặt vào và cảm thấy những giọt mồ hôi của má đã ướt đẫm, dính vào mặt tôi âm ấm” (Ước mơ). Nhẫn nại, yêu thương, người mẹ cõng đứa con tật nguyền lần đầu tiên đến lớp bằng trái tim mình. Bờ ruộng trơn trợt. Những ngón chân của mẹ bấm xuống đất trơn. Với tôi, đây là đoạn văn hay nhất vì tôi đang lặng lẽ khóc. Tôi cũng có tuổi thơ ở một ngôi trường làng quê nghèo heo hút và chiến tranh đã mang tôi đi từ trường này đến trường khác…
Tuổi thơ hôm nay sao không thấy dòng sông tuổi thơ, không thấy con sáo nhỏ hoang dại… Phải chăng, đồng đất nông thôn đang trên một chuyến xe tốc hành hướng về nền văn minh, thời đại mà người ta chỉ cần ngồi một chỗ để chế tạo những vui buồn của cuộc đời từ quá khứ, hiện tại, rồi đến tương lai. Thiên nhiên, có chăng, chỉ còn là một bảo vật, một di chỉ cần được nâng niu bảo vệ như là một vườn cảnh trang trí cho trái đất này. Thiên nhiên cần được vun quén, tỉa tót, bày trí xếp đặt, sắp xếp theo trí tưởng con người. Và, cũng để cho con người bớt tẻ quạnh…?