Tố Hữu là một nhà thơ lớn. Nói đúng hơn, ông là nhà thơ lãng mạn cách mạng. Cả cuộc đời ông gắn bó với cách mạng. Thơ với đời là một. Trước sau đều nhất quán. Tố Hữu nhìn cách mạng bằng con mắt lãng mạn của một thi sĩ. Thơ ông dường như chỉ có một giọng. Đó là giọng hát tưng bừng ca ngợi cách mạng. Đọc ông trong bất cứ hoàn cảnh và tâm trạng nào, ta cũng thấy phấn chấn, náo nức như đi trẩy hội. Đến đâu cũng nghe vang tiếng trống, tiếng kèn. Mà thơ ông đâu chỉ có trống phách linh đình như một đám rước, ông còn bắn cả 21 phát đại bác vang trời. Cho đến nay, chỉ có ông là nhà thơ Việt Nam duy nhất đã bắn đại bác trang trọng như thế. Trong tâm hồn lớn lộng gió của ông không có những góc khuất, những vùng tối, những nẻo đường hiu quạnh, những thành quách nhàn nhạt một màu rêu cô liêu. Nghĩa là không có chỗ nương náu cho những nốt nhạc lạc điệu, xa lạ và trầm buồn. Đôi khi, những nỗi niềm vu vơ có ở thời Từ ấy lại lần theo một con đường riêng nhuốm màu thiên nhiên, chìm lẩn trong tiềm thức mà tìm về với ông, thì ông lại tự xoá đi, để tiếng hát ông chỉ còn một âm hưởng chủ đạo. Âm hưởng vui bất tuyệt.
Nếu mỗi nghệ sĩ là một người thư ký của thời đại, theo quan niệm Balzac, thì Tố Hữu chính là người thư ký của cách mạng. Thơ ông là biên niên sử cách mạng. Có thể lần theo dấu vết thơ ông mà tìm những bước thăng trầm của cách mạng, của kháng chiến. Chính vì thế, trong những ngày cả nước long trọng kỷ niệm 40 năm ngày chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, tôi tìm lại thơ ông, tra cứu thơ ông, như tra cứu một cuốn tự điển cách mạng. Tôi lật trang Điện Biên Phủ và lập tức lại gặp ngay tiếng reo vui tưng bừng quen thuộc của ông: Hoan hô chiến sĩ Điện Biên. Đây là bài thơ khá nổi tiếng của Tố Hữu. Bài thơ cung cấp cho ta nhiều con số và những tư liệu lịch sử. Qua thơ mà ta biết cuộc kháng chiến chống Pháp kéo dài ba ngàn ngày. Chiến dịch Điện Biên Phủ từ lúc mở màn đến khi kết thúc thắng lợi là 56 ngày đêm. Trong thời gian này, Bác Hồ kính yêu của chúng ta đang ở Việt Bắc. Trên bàn làm việc dã chiến của Người có bản đồ Điện Biên Phủ. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đi hội đàm với Chính phủ Pháp ở Paris. Trưởng phái đoàn ngoại giao của Pháp là Biđôn (Bidault). Trưởng phái đoàn ngoại giao của Mỹ là Smit (Smith). Còn đại tướng Võ Nguyên Giáp thì dàn quân ở giữa trận tiền. Và bạt ngàn bộ đội, dân công đi tiếp lương, tải đạn, kéo pháo, mở đường. Lương thực, đạn được vận chuyển đến Điện Biên bằng hai phương tiện chính: thồ và gánh. Đời sống tinh thần của bộ đội và dân công ta ở cái thời ấy cũng được Tố Hữu ghi chép khá tỉ mỉ: người ta động viên nhau, thúc đẩy nhau bằng tiếng hát. Những điệu hò lơ, hấy lơ vang vọng khắp các triền đèo hiểm trở Lũng Lô, Pha Đin. Như thế, xem ra, việc chuẩn bị chiến đấu vất vả, gian khổ nhưng vui. Rõ ràng đi kháng chiến như đi trẩy hội. Còn khi đã chiến đấu thì thật ác liệt. Có thể nói đó là cuộc chiến đẫm máu. Người khoét núi đặt bộc phá. Người bịt lỗ châu mai. Người lấy thân chèn pháo. Và máu người đã nhuộm đỏ cánh đồng Mường Thanh. Máu trộn với bùn đất. Chỉ một chi tiết này, ta biết chiến dịch mở vào mùa mưa. Đó là một thử thách không nhỏ đối với người lính Điện Biên Phủ. Tất cả những tư liệu lịch sử có tính thông tấn báo chí ấy, đã được Tố Hữu biến thành tình cảm, giai điệu. Và bao phủ lên nó là một bầu không khí hừng hực. Bầu không khí Điện Biên.
Tố Hữu có đi chiến dịch không? Ông viết bài thơ này trong trường hợp nào? Lúc ấy ông ở đâu? Ông đang làm gì, giữ những trọng trách gì? Chiến thắng Điện Biên đến với ông ra sao? Đấy là những câu hỏi mà độc giả hôm nay tò mò muốn được giải đáp. Nhưng ai giải đáp nổi? Chỉ có thể là Tố Hữu. Và chúng tôi được giao một nhiệm vụ rất cụ thể: tìm đến gặp Tố Hữu, rồi lân la hỏi chuyện ông.
Chúng tôi tập kích vào nhà Tố Hữu, đúng theo cách tiếp cận của lính Điện Biên Phủ. Ngay lập tức nhà thơ lớn đã bị bốn anh em lính báo bao vây. Ngoài tôi và nhà phê bình Hồng Diệu, còn có thêm Khánh Chi, Trường Giang – hai phóng viên trẻ của báo Đại đoàn kết. Bây giờ thì Tố Hữu đã ngồi gọn giữa mấy anh em chúng tôi. Trông ông trầm tĩnh như một ngọn tháp cổ kính. Mà không, ông như một vị nguyên soái đã giã từ vũ khí, giã từ mọi thứ xiêm áo lỉnh kỉnh mà tạo hoá đã bỡn cợt khoác lên ông, nhiều khi che khuất cả chính ông, để ông chỉ còn lại là một già làng, có phần cô đơn, bé nhỏ, da mồi, mái tóc bạc trắng sương gió, dường như đã quá quen với trận mạc, với mọi biến cố, thăng trầm của cõi đời dâu bể. Lơ lửng ở đâu đó trong khoảng u u minh minh trên mái đầu ngả bạc của ông, hình như vẫn còn lung liêng, vẫn còn chao lắc cái con quay mờ mờ nhân ảnh của ông Trời. Ý nghĩ ấy đến với tôi khi tôi đang thành kính ngắm ông như ngắm một viện bảo tàng. Còn ông thì ngồi im lặng. Đôi mắt riu riu nửa thức, nửa ngủ, có lúc lơ đãng vô vi như một người đang nhập thiền, có lúc lại ánh lên, long lanh sáng như mảnh thuỷ tinh vỡ. Vào những giây khắc mong manh đó, tôi chợt thấy ông vẫn còn là một vị tướng soái, với đầy đủ mũ áo cân đai. Còn bây giờ, ông có vẻ như hơi ngỡ ngàng. Ông đưa mắt nhìn lũ chúng tôi là mở chiến dịch rút lui quyết không dây với lũ trẻ ranh.
– Chuyện Điện Biên ấy mà, nói thực là mình biết không nhiều lắm đâu. Cái này các cậu phải đến gặp Hồ Phương, Hữu Mai, hay Từ Bích Hoàng. Các anh ấy đi chiến dịch Điện Biên, các anh ấy biết nhiều chuyện đấy.