Người đàn ông đẩy tôi vào, căn phòng trắng loá, ánh đèn gay gắt thứ mặt trời đứng ngọ. Chới với chụp tay che mắt, tôi vẫn chưa ra khỏi màn sương dầy nặng và lạnh buốt, phủ trùm đầu óc lẫn thân thể từ chập choạng chiều tối hôm qua. Cũng một căn phòng, nhưng khác hẳn. Không rộng và ngợp ánh kim khí như nơi này, nó nhỏ bé thu rút lại, âm u trong chút nắng vụt biến thật nhanh ngoài khung cửa. Tôi đã ngồi ở bờ chiếc giường sắt cao nhìn ra, mấy cây ngô đồng đang bị gió lóc đi từng mảnh vỏ. Sau chúng là hàng rào trắc bách diệp thẫm xanh sầu tối. Cũng may, trong không gian ấy còn thấp thoáng vài đóa hoa mà không hiểu ai đã chọn cho chúng màu hồng trà cổ xưa dịu dàng đằm thắm. Buổi chiều, khi cài cánh cổng gỗ để ra đi, tôi còn kịp nhận ra cây hồng nhỏ dưới chân vội vã nở nốt bông cuối cùng. Cúi xuống, nâng nhẹ lên tay, kề mũi tìm chút hương thơm. Lúc tôi trở về, chắc hoa đã rụng.
Cầm chiếc xách tay, bước theo cô gái khuôn mặt choắt gầy, dáng thoăn thoắt, người tôi trống, một trống rỗng nhẹ nhàng, không vướng bận. Mọi thứ đã sẵn sàng, ít nhất về phía mình, tôi chẳng còn gì phải xếp đặt. Cô gái đẩy tấm cửa nặng nề, khoát cánh tay mời tôi vào căn phòng sơn xanh, vật nổi bật chiếm chỗ quan trọng nhất nằm ngay giữa chính là cái giường inox sáng bóng, trải ra hồ trắng phẳng phiu. Tôi đến bên cửa sổ kéo những liếp màn, kịp thấy vệt nắng vừa là xuống trên mấy nụ hồng. Cô gái đi ra, chúc tôi chóng thích ứng với chốn ở mới, còn nheo mắt dặn thêm, từ giờ đến sáng mai nhớ đừng ăn gì cả. Tôi ngó qua mặt bàn kê ở góc, chiếc tủ nhỏ đầu giường đặt mỗi máy điện thoại và tờ giấy ghi điều lệ. Trên tường treo tấm hình chụp mấy ngôi nhà sơn trắng cửa xanh dựng trên bờ biển một hòn đảo Hy Lạp, sóng bạc liếm chân. Phong cảnh quen thuộc, tôi đã từng đến đấy. Giờ, nó là cõi đời khác, lạ và xa.
Hành lang loang choang tiếng động của bữa ăn đang dọn, mùi bơ thoang thoảng. Tôi ngồi trong bóng tối, chỉ hai chấm đèn đỏ nháy trên tường, chỗ chuông bấm gọi người vào khi khẩn cấp. Bầu trời không có nổi một vì sao, những chiếc lá lất lay loang loáng dưới ánh sáng hắt ra từ mấy tầng lầu cao hơn. Thèm ngửi một hơi đất hơi sương, tôi đứng dậy mở to cánh cửa. Mùi lá khô ai đốt, chắc xa khu bệnh viện này nhưng theo gió trở ngược về đây, người tôi đang rỗng chợt bồi hồi. Ðấy là mùi của quá khứ, của cành lá cây ngâu trên sân nhà bị đốn đi, mẹ cho phơi khô dành nhóm củi nấu bánh chưng một đêm hai mươi chín tháng chạp. Có lần mẹ đốt cả củi của cành mai mà chiều giao thừa năm tôi lên mười cầm tiền một mình ra chợ hoa. Người bán tốt bụng, tặng không cho con bé một cành nở trọn đêm ba mươi.
Gió dường đã nhẹ hơn cho sương tụ về lãng đãng ở đầu rặng cây, hơi lạnh chụp lên vai, mấy con hải âu lạc trên thành phố kêu rít vài tiếng rồi chập chờn bay đi, lẫn vào sương xám. Bật ngọn đèn đầu giường, lật cuốn sách lấy vội mang theo cùng bộ quần áo và vài vật dụng, nhưng con chữ không thể lọt vào. Tôi cũng muốn giữ yên niềm lặng lẽ của khoảng trống hiếm hoi đã có được nên gập sách lại. Khoảng trống đến bất ngờ như một món quà chẳng chờ đợi, là không gian thênh thang chợt hiện ra sau khu rừng rậm, là hơi thở nhẹ nhàng của cành cây khi chiếc lá cuối cùng lìa xa, không tiếc nuối. Sáng mai khi mặt trời lên, lần đầu tiên tôi chẳng cần biết phải làm gì cho ngày trước mặt, những biến chuyển chung quanh sẽ không tùy thuộc vào tôi nữa. Thả mình trôi đi, nằm xuống chiếc giường lại thấy nó cứng như tấm phản u già hở áo ngồi quạt cho mình ngủ buổi trưa hè oi bức. Sao hình ảnh đâu đâu ngấp ngứ trở về, lăm le chen vào làm nặng tâm tư. Nếu giờ khắc này quay lại ngần ấy năm tháng của đời người sẽ là bao nhiêu thước phim cho đủ? Tôi dúi mặt vào nệm giường loay hoay xua đuổi.
Có tiếng đẩy cửa, một bà đầm trong áo blouse trắng, tay cầm chiếc cặp nặng nề bước vào, cất giọng chào ồn ào: ‘‘Bà khoẻ chứ ? Sao không bật đèn sáng hơn?’’, rồi tự giới thiệu là người phụ trách đưa âm nhạc đi cùng bệnh nhân trong những ngày trị liệu, một dịch vụ mới của nhà thương, xong hỏi tôi có gì để giải trí. Tôi chỉ cuốn sách ở đầu giường, người đàn bà cầm lên bật kêu: ‘‘Chao ơi, tối nay mà đọc cuốn này thật không nên’’. Tôi cười: ‘‘Vì thế tôi có đọc đâu’’. Bà ta đặt cặp lên bàn, vừa mở vừa hỏi: ‘‘Bà thích nhạc không?’’ Chẳng để tôi trả lời, người đàn bà đến ngồi cạnh, tay vuốt lên tấm khăn giường thân mật và bắt đầu rao giảng về sự cần thiết của âm nhạc đối với tinh thần bệnh nhân, rằng đây là mạch suối tự động luồn đi, ngấm vào thần kinh đang căng thẳng để làm mềm xuống những lo âu, sợ hãi, nhất là với trường hợp trọng bệnh. Thiếu phụ miên man nói, tôi nhìn vào đôi môi tô đỏ, hai mi mắt anh ánh viền xanh và những sợi tóc bạch kim phủ trên trán. Các màu sắc chập nhoà, loãng tan vào giọng nói đều đều như tiếng nước đập vỗ rì rào. Thấy tôi gật gù, người đàn bà ngừng vài giây rồi lấy những CD nhạc bày ra cùng một máy hát nhỏ, hỏi tôi muốn nghe loại gì. Trong chiếc cặp chỉ có các đĩa nhạc cổ điển, một số bài ca thời thượng và loại nhạc êm dịu không lời. Tôi hỏi có jazz có blues có rap không, thì nhận được cái nhìn trách cứ. Ðể vừa lòng bà, tôi bảo muốn lấy một sonate của Mozart, nếu có sonate cung đô trưởng càng tốt. Bà ấy lục tìm trong đống CD và hỏi, chắc là lấy lệ: ”Tại sao Mozart, tại sao sonate?” Tôi nheo mắt: ”Bà chẳng biết ư? trong một số thí nghiệm nghiêm chỉnh, người ta phát hiện khi vắt sữa, nếu cho bò nghe nhạc sữa sẽ chảy nhiều hơn, đặc biệt với nhạc Mozart” Tiếng cười vỡ ra giữa hai vành môi son đỏ. Cầm đĩa nhạc trên tay tôi lại nói: ‘‘Y tá bảo sắp vào cho thuốc uống để ngủ, sáng mai tôi là người được chiếu cố trước tiên, vậy đâu có thời giờ và cần nghe nhạc làm chi’’. Người đàn bà dợm đứng lên vội vàng ngồi xuống, nhẹ giọng ân cần: ‘‘Không những có thể để nhạc suốt đêm, ngủ đi với nó, mà sáng dậy và cả lúc người ta đưa vào phòng giải phẫu, nên có nhạc đi theo’’. Tự nhiên bà ta cầm lấy tay tôi, ngập ngừng đôi chút rồi tiếp: ‘‘Cho tôi nói thật, trên chiếc bàn ấy là lúc con người thật sự đơn độc, vì sẽ khởi hành một chuyến đi mà không ai có thể đi cùng dù là người thân yêu nhất. Bác sĩ y tá chung quanh cũng chỉ là bác sĩ y tá. Khi ấy, những giòng nhạc quen thuộc sẽ làm giảm đi cảm giác một mình, thất lạc. Hãy nghe sonate này và ngủ ngon. Chín giờ sáng mai tôi sẽ có mặt để đưa bà đến tận phòng mổ’’. Cổ họng chợt se lại, khô khốc, tôi để yên tay mình trong bàn tay hơi cứng của người đàn bà cho đến khi cô y tá cao gầy bước vào đo áp huyết, nhiệt độ và đưa cho tôi viên thuốc cùng nửa ly nước cuối cùng được phép uống. Họ đi ra, tôi định làm theo lời bà ta nhưng vừa cầm máy hát để bỏ CD vào là choáng váng, tắt ngọn đèn, tôi ẩn giữa lớp chăn. Căn phòng lúc này bỗng đầy ắp hơi sương dù cô y tá đã đóng chặt cửa sổ. Không khí chao động xám đục, phủ trùm buốt giá. Co người nằm sấp, tôi muốn rơi ngay vào giấc ngủ. Lại vang lên bản sonate, chuỗi nhạc trong sáng hồn nhiên đô mi son si đô rê đô của Mozart thời ấy, những bài học dương cầm và chiếc đàn bác Quân mua cho, một tuổi thơ đã mất.