Bill Hayton đã làm việc như là một ký giả truyền thanh và truyền hình từ năm 1995 và cho đài BBC từ năm 1998. Ông đã tập trung vào các đề tài Đông Nam Á, nhất là sau khi làm việc như là phóng viên đài BBC tại Việt Nam 2006-7. Ngoài ra ông cũng có viết nhiều bài cho The Times, Financial Times, Foreign Policy, National Interest and The Diplomat. Trước khi tới làm việc ở Việt Nam, ông đã từng tường thuật từ Âu Châu và Trung Đông bao gồm các nước Ba Tư, Yemen và Balkan.
Ông từng được Học viện Ngoại giao Việt Nam mời vào dự hội thảo về Biển Đông tại Việt Nam nhưng không được Bộ Công an Việt Nam cấp visa, mặc dù Học viện Ngoại giao đã cố gắng tìm giải pháp và Đại sứ quán Anh ở Hà Nội cũng cố gắng giúp đỡ. Hayton cho là lý do duy nhất là vì nội dung cuốn sách ‘Vietnam: rising dragon’ (Việt Nam: con rồng trỗi dậy)
“Biển Đông: Cuộc tranh đấu giành quyền lực ở Á Châu” (The South China Sea: The Struggle for Power in Asia): Cuốn sách phân tích chứng cứ lịch sử về chủ quyền ở Biển Đông, các yêu sách và chiến thuật mà các nước sử dụng để bảo vệ chủ quyền. Những nguy cơ xung đột mà dính líu đến cả Hoa Kỳ, Nhật Bản và Ấn Độ. Một đoạn tóm tắt của David Brown: “Tấm thảm đắt giá mà Hayton dệt tự nó có sức hấp dẫn, nhưng tầm quan trọng đáng chú ý là sợi chỉ ông cẩn thận kéo ra: Đòi hỏi chủ quyền dựa trên chứng cứ lịch sử của Trung Quốc ở vùng biển phía nam Hồng Kông và đảo Hải Nam chủ yếu là rác vụn. Bằng chứng của Trung Quốc đơn giản là không đứng vững trước biên niên sử của các chúa Nguyễn ở Việt Nam, vào khoảng năm 1750, đã phái những cuộc thám hiểm hàng năm đến cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Người Việt Nam chủ yếu khai thác các tàu đắm, chắc chắn như thế, nhưng họ đã để lại những dấu vết và lưu giữ hồ sơ cẩn thận. Trớ trêu thay, người Việt Nam đã ngưng dựa vào những bằng chứng lịch sử của riêng mình. Thay vào đó, họ dựa vào các quy định phân chia vùng biển được hệ thống hóa trong Công ước Quốc tế về Luật biển, có hiệu lực từ năm 1994…
Wikipedia