Mọi thủ tục đào thám sát khu vực An Phụ đã được hoàn tất, dù cho hiện vật chưa biết thu được những gì, đã nổ ra cuộc chiến gay gắt là ai sẽ có quyền sở hữu bảo quản. Bảo tàng Cổ sử và Bảo tàng Cổ vật đều muốn độc quyền chiếm giữ hiện vật. Giáo sư ủng hộ Bảo tàng Cổ sử, đại diện Cục Di tích ủng hộ Bảo tàng Cổ vật.
Trước đây, hai bảo tàng này chung là một Bảo tàng Cổ tích. Nhưng rồi người ta viện lý lẽ để tách ra. Có di vật rõ ràng có ý nghĩa lịch sử và khảo cổ, cũng có di vật chỉ có tính thương mại. Nhưng lý do chính ai cũng ngầm hiểu là hai ông sếp đầu ngành, hai con hổ không thể chung một cánh rừng. Thế là tách. Lê Hậu đã thắc mắc: “Vậy những hiện vật ở ranh giới giữa hai khái niệm ấy thì sao?”. Giáo sư cười ranh mãnh: “Thì chúng ta sẽ thành lập một bảo tàng Cổ vật sử hay Cổ sử vật chẳng hạn”
Cho đến khi, có tin báo tại An Phụ người ta tìm thấy một phiến trụ đá nhỏ bằng ngọc trắng, khắc ba chữ “Ngô Sơn chủ”, cuộc chiến giữa hai bảo tàng càng kịch liệt.
Người của Bảo tàng Cổ vật bảo đó chẳng qua là con dấu của ông họ Ngô, chủ đất ấy. Bảo tàng Cổ sử đề nghị xác định niên đại. Kết quả, hiện vật cách đây khoảng bẩy trăm năm. Người của Bảo tàng Cổ sử mừng hú lên, cho rằng đó là con dấu của Ngô Bệ, người khởi nghĩa chống lại triều đình Trần Dụ tông khoảng năm 1344-1359.
Cả đoàn rùng rùng đến An Phụ. Vào những ngày giữa thế kỷ hai mốt này, việc thám sát một khu vực chả còn là vấn đề gì bí mật. Đã qua rồi cái thời các nhà khoa học cô lập với nhau và cô lập với phần còn lại của thế giới. Cách đây vài chục năm, người ta đào bới hàng tháng, rồi làm thành một nhóm gọi là có thẩm quyền, tự phong nhau cái quyền như những vị thánh, quyền cho mọi người biết mình làm gì và ai được biết gì. Nhưng nay thì khác rồi. Đoàn săn cổ vật có Giáo sư, có sinh viên năm cuối đại học Lê Hậu, có đại diện hai bảo tàng, có đại diện Cục, lại có đám nhà báo lúc nào cũng khát tin tức trong một thế giới hòa dịu một cực, có các nhà viết văn, viết kịch, có nhà nghiên cứu lịch sử, nhà ngoại cảm… Xã hội thượng lưu thu nhỏ tự nhận là trí thức ở thủ đô cùng về nơi ngoại ô xa gần một trăm cây số, nơi cách đây vài chục năm vẫn là vùng xa, và trước đây bẩy trăm năm thì là rừng thiêng nước độc. Đâu chỉ có thế. Mạng thông tin thường trực lúc nào cũng cập nhật bước chân của họ, phóng lên tiếng nói, tường thuật trực tuyến quan điểm của từng người trong đám chuyên gia ấy. Hội thảo có thể xảy ra trong phạm vi mạng toàn cầu sau ba mươi phút thông báo. Rồi tất cả thế giới cũng có thể ầm ĩ lên chỉ vì một sự kiện chỗ ấy chỗ nọ tìm thấy “một cái gì đó” cách đây bảy trăm năm.