Bà nội lạc giữa cuộc sống nơi thành thị bởi hàm răng đen và cái miệng móm mém nhai trầu. Tôi thích nằm bên nội, để hương vị cay cay ngai ngái của cau, của thuốc, của lá trầu phả vào mặt mình. Mẹ và bố bảo tôi là một đứa lạ đời. Thời buổi bây giờ, người ăn trầu đã ít, chẳng mấy ai nghiện trầu đến mức một tiếng không có là không chịu được như nội tôi; nhưng khó hiểu nhất là một thằng thanh niên trai tráng như tôi – 28 tuổi lại cũng đi nghiện hương trầu, và chỉ có một sở thích duy nhất là được chui vào chăn ấm nằm cùng với nội.
Nội 83 tuổi, lưng còng, mắt kém. Nội càng già, tôi càng thấy mẹ tôi cằn nhằn nhiều hơn về thói nghiện trầu của nội. Nước trầu đỏ ối, rơi vãi khắp nền nhà gạch hoa, nếu không phát hiện ra để lau ngay thế nào cũng đóng bãi ở đấy không bao giờ tẩy được. Mẹ tôi thành một thói quen, lau nhà có khi một ngày 4 lần. Vừa lau vừa lẩm nhẩm những lời chẳng mấy vui vẻ. Nội lãng tai, vẫn ngồi phía trước hiên nhà, thẩn thơ nhai trầu và hướng suy nghĩ về miền quê của nội. Tôi chứng kiến sự xung khắc âm thầm giữa hai người đàn bà, và cũng lặng im không lên tiếng. Nội không biết mẹ nghĩ gì, mẹ cũng không thấy nội phản ứng lại, thật may vì thế mà chưa bao giờ gia đình tôi xảy ra bất đồng lớn xung quanh chuyện trầu cau của nội.
Bà nội tôi có 5 người con, chỉ có bố tôi là thành đạt hơn cả. Ông nội tôi mất sớm, khi bà nội mới chỉ 32, còn xuân sắc nhưng nội vẫn ở thế nuôi các bác và bố tôi nên người. Nhà tôi chuyển lên thành phố sống từ năm tôi lên 10, những kí ức cũ xưa đọng lại trong tôi về ngôi nhà từng sống dưới quê chỉ duy nhất là một dàn trầu bên chái nhà của nội. Thân trầu của Nội đổ lên cả một thân mái nhà, những chiếc lá dai dẳng bám vào đấy mà trổ lên xanh mướt, Nội thường tìm những lá trầu già, có màu xanh đen hoặc hơi ngả vàng mang vào ăn trước. Từ bé, tôi thích nhìn những lá trầu mang hình trái tim, thích xếp chúng chồng lên nhau trong một cái chậu nhựa xăm xắp nước giống như hình nan quạt. Tôi muốn hái trầu nhưng Nội nhất định không cho, Nội bảo: “Cây trầu không ưa người lạ đụng vào, con mà hái là nhánh trầu ấy sẽ héo hon mà lụi mất.” Nhớ lời nội dặn thế và cũng vì sợ lỡ làm hỏng giàn trầu sẽ khiến bà buồn nên không bao giờ tôi giám đụng vào. Sau này lớn lên trong vòng tay chăm sóc của nội, tôi hiểu tình yêu của nội giành cho con cái, cho những cháu chắt, chút chít như chúng tôi hệt như lá trầu. Thuỷ chung và son sắt, nặng ân tình, ân nghĩa.
Tôi yêu bao nhiêu người con gái, cô nào cũng dấm dúi mang về giới thiệu với nội. Nội cầm tay cả bấy nhiêu cô gái, ôm ấp cả bấy nhiêu cô gái trìu mến, thân thương; nhưng cũng thật kì lạ; tất cả các cuộc tình đều chấm dứt sau đó không lâu. Cái cảm giác, người con gái mình yêu ngại sà vào lòng bà nội, ngại đến gần vì khó chịu với mùi trầu nồng nồng, đậm đặc bao quanh nội khiến tôi không thoải mái. Một lần, khi đang còn yêu nhau, Linh – cô bạn gái mà tôi gắn bó lâu nhất hỏi: “Nếu mãi mà em không thể gần được mùi trầu của nội anh, thì anh chọn ai?” Tôi im lặng trước cái nhìn đầy ngấn nước mắt của em và tự thấy mình là một thằng khùng. Cũng khờ thật. Vô duyên mà bắt một cô gái luôn ăn vận thời trang, cả ngày phấn son, cá tính, và hợp thời thích được một người già, lạc lõng giữa chốn phồn hoa, không sao bỏ được thói quen nhai trầu chỉ vì: “Nội nhớ quê quá.” Khi tôi lẳng lặng cắt đứt liên lạc với bạn gái, vài cô trong số họ khó hiểu đến mức giận giữ và mau chóng nổi khùng. Tôi nhận được một email dài từ Linh, em là một nhà báo, sắc sảo, mạnh bạo; từng lời em nói rát buốt như muối trắng xát vào da thịt đang bị thương. “Em yêu anh, và anh cũng yêu em. Em tin như thế và em không đồng ý để anh phủ nhận điều đó. Lẽ dĩ nhiên trên cuộc đời này, chỉ có 2 chúng ta là những kẻ kì quặc nhất, yêu nhau mà dửng dưng rời xa. Kì quặc là một PR manager, đi nước ngoài như đi chợ lại chỉ biết yêu duy nhất một thứ mùi vị khó hiểu của miếng trầu; và kì lạ, là em lại phải lòng chính con người có thói quen lập dị đó. Cuộc sống ồn ào và náo nhiệt này, không có chỗ cho cái khác người đi lên Nam ạ!” Tôi không reply lại Linh, im lặng để em hiểu là tôi đồng ý với những lời em nói; hoặc chí ít nó cũng không gây thêm sự tự ái cho người luôn có cách suy nghĩ áp đặt lên kẻ khác như em.
Một năm sau, em sang Bỉ du học, chát với tôi em nửa đùa, nửa thật: “Em đi để trốn chạy mùi vị khác lạ của quê nhà. Nhưng em vẫn nhớ anh nên không quên Việt Nam được.” Tôi thường không bận lòng lâu vì những câu khiêu khích kiểu đó. Tôi biết những cô gái tôi yêu không thuộc tuýp người chịu được cô đơn lâu dài. Họ tìm đến tình yêu giống như đi tìm cảm hứng sáng tác trong văn học; đam mê, nóng bỏng ngay đấy, mà chỉ chia tay chốc lát thôi, tôi đã thấy kẻ đi lấy chồng, kẻ ở trong vòng tay của người khác ngay rồi. Nghe đâu Linh sống chung nhà với một du học sinh người Úc đến khi chuẩn bị về nước thì chia tay. Gặp lại nhau trong thang máy của toà soạn, em vòng tay qua cổ tôi bảo: “ Em vẫn nhớ mùi thơm của cơ thể anh – một thứ hương lạ lùng khiến hàng đêm liền em đi tìm trên đất khách mà không ra.” Tôi thấy đàn bà là một giống kì lạ, không có quy luật nào mà cưỡng chế được. Có khi họ ra đi chỉ vì một mùi hương, rồi lại cũng vì mùi hương đó mà phải quay về. Tôi nhớ lại những đêm dài tôi và Linh bên nhau trong căn phòng nhỏ bé của em, tự thấy trái tim mình vẫn trơ ra một khoảng trống vô hồn, thênh thang khó có hi vọng tìm được thứ gì mà bù đắp.