Đọc văn Trần Hoài Dương, dù đã bước vào tuổi năm mươi tư, tôi ngỡ mình trẻ lại tuổi ấu thơ. Tôi vẫn thấy rưng rưng cảm giác trẻ thơ những ngày đến trường, học hành, vui chơi cùng bè bạn, những lúc đắm mình trong trò chơi của trẻ con vùng quê nghèo Ninh Giang, Hải Dương, lâng lâng cảm giác trên lưng trâu ngắm cò bay, mây bay, nghe tiếng sáo diều. Lòng người trỗi lên bao ước mơ, khát vọng khi dõi theo những cánh buồm nâu trôi trên dòng sông Lê (nhánh của sông Luộc)…Hoài Dương viết câu văn ngắn gọn, dễ hiểu, cuốn hút tuổi thơ. HIện nay, thiếu gì người viết câu văn dây cà ra dây muống, dài lê thê bảy tám dòng! Văn Trần Hoài Dương không ồn ã mà sâu lắng, giúp ta nghe được cả tiếng tí tách của chồi non mùa xuân, hướng tâm hồn ta tới bến bờ của yêu thương, trân trọng, tin cậy, những ước ao đầy tính lãng mạn và vẻ đẹp thân thiện. Chả thế mà nhà văn Tô Hoài bảo rằng trang văn hay không có tuổi! Văn Trần Hoài Dương không có tuổi!
1. Nhân Vật Chính Tự Giới Thiệu
Tôi là một con chữ chì ở nhà in. Tên tôi là A. Từ lâu tôi đã nổi tiếng, hễ nhắc đến tên, ai cũng biết. Khi vui sướng quá, người ta thường reo tên tôi trước tiên: “A-a-a!”. Khi ngạc nhiên, sửng sốt, người ta cũng kêu lên: “A!”. Khi đau đớn không chịu nổi, người ta cũng gọi tên tôi, mong tìm một người bạn che chở: “A-a-á!”. Hàng năm, cứ đến ngày khai trường, hàng triệu trẻ em ở khắp nơi bao giờ cũng phải làm quen với tôi trước tiên. Tôi đứng đầu bảng chữ cái nước ta. Trong bảng chữ cái của nhiều nước trên thế giới, tôi cũng là chữ được người ta trân trọng xếp ở hàng đầu… Còn nhiều ví dụ tương tự, không thể kể hết được.
2. Cung Điện Ánh Sáng Và Cuốn Sách Ước
Một hôm, có câu chuyện tình cờ nhưng thật thú vị. Cô thợ xếp chữ để quên quyển sách giáo khoa bên hộp chữ chúng tôi. Sự việc ngẫu nhiên ấy không ngờ lại mở đầu cho hàng loạt những thay đổi lớn trong đời tôi. Cô Sách Giáo Khoa vốn là một người hiểu biết. Cô kể cho chúng tôi nghe về một xứ sở kỳ lạ. ở đấy mọi người sống rất sung sướng, và điều làm chúng tôi mê nhất là có Cung điện ánh Sáng, nơi dành riêng cho trẻ em ngày ngày đến vui chơi. Trong cung điện, có đủ các phòng dạy nhạc, dạy múa hát, phòng dạy vẽ dạy nặn tượng, phòng chơi bóng bàn, phòng nghe kể chuyện cổ tích; có bãi chơi bóng chuyền, bóng rổ; có bể bơi, có đài thiên văn với những ống kính viễn vọng quan sát bầu trời… Đặc biệt, ở đấy có một thư viện rất lớn, đủ các loại sách quý. Đối với các bạn, đó chỉ là những quyển sách, nhưng đối với họ nhà chữ chúng tôi thì đó là những tòa lâu đài thật sự. Từ thời xa xưa, khi tổ tiên loài chữ chúng tôi còn phải sống trên những tấm da cừu, những thanh tre, các cụ đã từng mơ ước sau này con cháu được ở trong những tòa lâu đài đồ sộ – đó là những cuốn sách giấy tốt, bìa bằng da thuộc mầu nâu bóng, gáy in chữ mạ vàng…
Khi cô Sách Giáo Khoa nói đến những cuốn sách như thế, cả hộp chữ chúng tôi xôn xao hẳn lên, tất cả reo nhảy mừng rỡ. Chúng nó tranh nhau hỏi hết câu này đến câu khác làm cho cô không còn biết trả lời thế nào. Tôi và mấy thằng bạn quay ra bàn riêng với nhau. Không biết trong cung điện ấy có cuốn sách ước không? Đã nhiều lần chúng tôi nghe nói về cuốn sách lạ ấy. Nó chỉ nhỏ bằng một bao diêm, nhưng những trang sách đều làm bằng một chất gì đó sáng lóng lánh và thơm ngào ngạt. (Nghe đâu nó được chế biến từ những cánh hoa của một vạn loài hoa thơm trên trái đất). Cuốn sách được giấu trong một bông sen bằng vàng. Khi muốn ước, chỉ cần nói: “Sách ơi, mở ra! ước gì được…” là bông sen từ từ nở, một ánh sáng kỳ ảo, một làn hương lạ lùng bắt đầu tỏa ra và cuốn sách lấp lánh hiện trước mắt cho mình tha hồ ước, muốn gì được nấy. Chẳng hạn nói: “ước gì tôi biến thành một con chữ đúc bằng vàng, còn bạn bè tôi mãi mãi chỉ là những con chữ chì”. Thế là trong nháy mắt, tôi bỗng sáng lóng lánh như ngôi sao mai, còn tụi bạn tôi thì khóc dở mếu dở vì cho đến hết đời chúng cũng chỉ là những con chữ chì đen xỉn.
Đấy, cuốn sách ước là như thế. Liệu trong cung điện ánh Sáng có không? Đứa bảo không, đứa bảo có. Riêng tôi, tôi tin có quá đi ấy chứ! Đã là một cung điện tuyệt vời như thế thì cuốn sách ước nào có thấm tháp gì?
Chúng tôi tranh nhau hỏi cô Sách Giáo Khoa, đứa nào cũng muốn phần đúng thuộc về mình. Cô Sách Giáo Khoa đang nhíu lông mày, cố lắng nghe câu chúng tôi hỏi, chưa rõ đầu cua tai nheo ra sao, thì cô thợ xếp chữ đã chạy vào, reo lên sung sướng: “Đây rồi! Cuốn sách đây rồi! Thế mà tìm cuống lên, khắp nơi không thấy!” Cô Sách Giáo Khoa ra đi đột ngột, làm bao nhiêu câu hỏi không được ai trả lời. Bọn chúng tôi càng tranh cãi hăng hơn. Từ hôm ấy, cung điện ánh Sáng với cuốn Sách ước luôn luôn ám ảnh tôi.