Chuyến đi của hơn một năm được “nén” lại chỉ trong hơn một trăm trang tiểu thuyết ngắn cũng đủ sức hấp dẫn tôi đi du lịch bụi bằng những trang giấy của “Trở lại”. Tôi tin rằng sự trải nghiệm xuyên quốc gia với hàng nghìn tình tiết biến hóa sinh động, một lối viết rất trẻ của tác giả sẽ không chỉ lôi cuốn tôi mà độc giả khác cũng dễ dàng hóa thân vào nhân vật tôi trong tiểu thuyết – thật đúng là một chuyến đi thú vị trong từng câu chữ nhảy nhót suốt từ đầu đến cuối, và đôi khi lại phải khựng lại để ngẫm nghĩ đôi chút về những đòi hỏi đơn giản nhất của cuộc sống khi mà lỡ hóa thân vào nhân vật, đôi khi tôi như có cảm giác bị tác giả làm thất vọng khi mà những tình tiết tiếp sau không như mong đợi và câu trả lời là một sự bất ngờ khiến cho tôi cười khành khạch – một sự tương tác tuyệt vời và hình như không có khoảng cách nào giữa tác giả và độc giả.
Tôi bỗng giật mình khi mà cảm giác được rằng những trang còn lại còn quá ít, nó khiến tôi nuối tiếc vì tôi không muốn chuyến đi phải dừng lại vào lúc này – cũng cùng lúc những dòng hồi ức của nhân vật tôi ùa về làm cho nỗi buồn như cộng hưởng và làm cho tôi suýt phải lau nước mắt khô. Chuyến hành trình đã đưa tôi trở lại thực tại khi mà cuốn tiểu thuyết ngắn khép lại – tim bỗng rạo rực và đập nhanh hơn bởi vừa phải trải qua quá nhiều cảm xúc lắng đọng, một phần trách cái kết thúc mở này. Nhưng tôi cảm thấy hưng phấn khi đã “giải nén thành công file .rar” để thấu những gì nhân vật tôi đã trải qua trong hơn một năm. Chừng ấy thời gian tất nhiên là cách chọn từ ngữ và tình tiết sẽ phải hết sức nhanh – như sự năng động của sinh viên thời kỳ hội nhập vậy. Đó cũng là một sự trùng hợp khá hoàn hảo trong thời điểm này.
Tuy nhiên, những sự hiện đại của anh thợ hồ xây dựng chỉ đường cho nhân vật tôi khiến tôi liên tưởng tới những tầng lớp tự coi mình là tiến bộ lại bỏ quên mất những thứ đơn giản mà họ nghĩ là không cần thiết và cần phải đào thải. Cũng như một giới sinh viên trẻ bỏ quên thói quen đọc sách – nơi mà những kiến thức của loài người được tích lũy từ ngàn xưa. Chắc là họ sẽ phải hối hận lắm khi không được thưởng thức chuyến đi tuyệt vời này, và họ vĩnh viễn không nhận ra được ý nghĩa của những điều giản dị, họ sẽ sống hay tồn tại cùng với cõi đời dài và vô cảm. Có lẽ ta phải rời chiếc laptop mê hoặc, để tạo nên những chuyến đi thực sự để rồi quay lại ôm laptop để share những điều thú vị tương tự. Hay một sự lựa chọn thông minh là hãy hóa thân vào đây để đoạt lấy những giá trị của cuộc sống mà không cần phải trả giá cho những cay đắng.
“Thả bước dọc theo dòng sông Ka Long đi về phía cửa khẩu, tôi lôi tấm bản đồ thế giới điểm lại kế hoạch lớn lao của mình. Bắt đầu từ Trung Quốc đại lục, sau khi có một số vốn tiếng Trung tôi đi đến Côn Minh để tìm đường sang Tây Tạng huyền thoại. Từ miền đất thánh này tôi sẽ nỗ lực vượt qua dải Nepal vĩ đại để đến với quê hương Đức Phật. Sẽ dừng chân ở Ấn Độ để tiếp tục mưu sinh và học tiếng, chuẩn bị cho hành trình tới Biển Đen. Qua Pakistan, men theo bờ biển Ả Rập, tôi sẽ tới Iran, từ đây, tiếp tục hướng về phía tây đi theo vịnh Oma. Đến biên giới Irak, ngược về hướng Bắc sẽ đến giao miền Nam Á và Đông Âu, chắc phải nghỉ ở Ankara. Sau đó tiếp tục đi để đến Roma và dừng lại ở Kinh Đô Ánh Sáng. Châu Âu văn minh sẽ mang lại cho tôi một cuộc sống giàu sang và hiện đại, điều này chắc chắn rồi vì kiều bào nào về nước chẳng toát lên cái vẻ dễ thấy của mấy người thành đạt. Rồi tôi cũng sẽ là một Việt Kiều lắm tiền nhiều của, chẳng cần phải cứ đi mãi một con đường, thành Rome còn nhiều ngả đến. Niềm tin đó là hành trang có giá trị nhất thôi thúc tôi lên đường với ba bộ quần áo ba cuốn sổ ghi và một hộ chiếu mới có duy nhất một tấm Visa Trung Quốc.
Cứ nghĩ đến việc mỗi vùng đất đi qua đều thấm những giọt mồ hôi lao động của mình tôi lại thấy phấn khích lạ thường. Và cũng chẳng có lựa chọn nào khác để đi và tồn tại với một kẻ vô sản ngoài việc làm bất cứ thứ gì ra đồ ăn, ra vé xe và ra Visa, miễn là tới được Paris, tới được sự giàu sang, tôi sẽ làm bất cứ công việc chính đáng gì.
Tôi ghép chữ thành thơ, trịnh trọng ghi nó lên trang đầu tiên của cuốn nhật ký hành trình bên cạnh một số thông tin liên lạc trong trường hợp cần thiết.
Nụ cười dọa những phong ba
Bàn chân dọa những đường xa gập ghềnh.”