Hoàng Ngọc Phách, còn có bút hiệu Song An, sinh năm 1896 trong gia đình và ở vùng quê có truyền thống khoa bảng – làng Đông Thái, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Ông từng là học sinh các trường học nổi tiếng, trong đó có trường Bưởi, Hà Nội.
Khi còn là học sinh trường Bưởi, Hoàng Ngọc Phách đã trúng giải 8 trong 20 giải của cuộc thi thơ do Ban Quản trị rạp Sán Nhiên Đài tổ chức. Trong thời gian học ở đây, ông đã tham gia nhiều phong trào bênh vực và bảo vệ quyền lợi của học sinh. Năm 1919, sau khi đỗ cao đẳng tiểu học Pháp và bằng Thành Chung, ông trúng tuyển vào ban văn chương của Trường cao đẳng sư phạm – một ngành học và trường học danh giá bậc nhất lúc bấy giờ. Năm cuối ở trường này, Hoàng Ngọc Phách hoàn thành tiểu thuyết Tố Tâm. Trong một thời gian dài, nhiều ý kiến cho rằng Tố Tâm là cuốn tiểu thuyết hiện đại đầu tiên của Việt Nam. Hoàng Ngọc Phách công tác liên tục trong ngành giáo dục và sau đó, năm 1959 ông chuyển sang Viện Văn học làm công tác nghiên cứu cho đến năm 1963 thì nghỉ hưu.
Năm 1973, Song An Hoàng Ngọc Phách ốm nặng nằm bệnh viện Việt – Xô (Hà Nội), Tú Mỡ vào thăm và đọc tặng ông bài thơ tiễn biệt “Viếng sống” trước khi ông mất mấy ngày: “Mấy lời thăm hỏi bác Song An/ Có phải va-li đã sẵn sàng?/ Công việc trần gian đà trọn vẹn/ Đường về tiên giới rất xênh xang./ Đây thằng bố lếu thơ tinh nghịch/ Đấy bạn “cô-le” nghĩa cũ càng./ Bác thượng thọ rồi tôi cũng thượng/ Bác ra tàu trước, đệ còn khoan”.
Tiểu thuyết Tố Tâm được viết 1922, in lần đầu 1925. Nội dung cốt truyện kể về một đôi thanh niên nam nữ yêu nhau, vì lễ giáo phong kiến mà không được sum họp.
Đạm Thủy, một chàng sinh viên đã có nhiều thơ đăng báo, một lần về quê, đánh rơi ví dọc đường, chàng đến trình quan huyện sở tại. Sau khi về trường, chàng được nhắn đến nhà bà Án, chị của quan, để nhận ví. Tại đây, chàng kết thân với cậu Tân, con bà Án. Cũng tại đây, chàng gặp và thầm yêu chị của Tân, nàng Nguyễn Thị Xuân Lan, một cô gái đẹp nhất phố, hiền thục, nết na, giỏi giang và cũng rất yêu thích văn chương và đã từng say mê thơ Đạm Thủy, nên nay biết mặt chàng, nàng thêm quyến luyến. Hai người thường mạn đàm văn chương mỗi khi gặp mặt. Đạm Thủy đặt biệt hiệu cho nàng là Tố Tâm. Hai người trẻ tuổi cảm thấy không thể sống thiếu nhau. Tuy vậy, gia đình Đạm Thủy đã hỏi vợ cho chàng và chàng không dám hủy lời giao ước của cha mẹ. Tố Tâm thì cũng đã có nơi xứng đáng dạm hỏi, mặc dù Đạm Thủy khuyên bảo nhưng nàng vẫn không nghe vì tình yêu mãnh liệt dành cho Đạm Thủy. Khi mẹ Tố Tâm ốm nặng, gia đình buộc nàng lấy chồng. Nàng nhất quyết khước từ. Đạm Thủy, vì quá yêu, nên có ý tưởng cùng nàng trốn đi, xây hạnh phúc, nhưng chàng bỏ ý định vì vướng bận gia đình và Tố Tâm cũng can ngăn chàng. Sau, phần bị gia đình thúc ép, phần do thương mẹ và cũng bởi nghe lời khuyên nhủ của Đạm Thủy, Tố Tâm lấy chồng. Trước ngày cưới, nàng hẹn gặp Đạm Thủy, trao chàng kỷ vật và khóc từ biệt. Nhận lá thư vĩnh biệt của Tố Tâm, Đạm Thủy đáp từ, tặng nàng mấy cành hoa lan mừng ngày cưới. Sau lễ cưới, nhân hội chùa Đồng Quang, hai người thoáng thấy nhau, nhưng Tố Tâm quay mặt đi. Lúc này, nàng đã ốm nặng. Về, biết mình không khỏi bệnh, nàng tiếp tục viết nhật ký cho Đạm Thủy. Nàng cũng kể sự thật với chồng. Rồi nàng qua đời, chỉ sau ba mươi sáu ngày lên xe hoa do bị thổ huyết.
Ngày đưa tang Tố Tâm, Đạm Thủy đau xót đến viếng, nhưng không dám xuất hiện. Hôm sau, chàng ra thăm mộ nàng, lấy áo mình đắp lên mộ và trở lại thăm nhà bà Án, chàng được gia đình trao hộp kỷ vật có quyển nhật ký của Tố Tâm. Đọc nhật ký, Đạm Thủy thương tiếc nàng, hối hận mà thành bệnh. Anh trai Đạm Thủy biết em suy sụp vì tình yêu nên kịp thời động viên, an ủi. Từ đó, Đạm Thủy quyết tâm học hành, lòng giữ hai điều thiêng liêng: công danh sự nghiệp và mối tình nồng nàn, cao thượng với Tố Tâm.
Sau khi tiểu thuyết này ra đời đã dấy lên phong trào say mê tìm đọc của thanh niên, học sinh Việt Nam vào thời điểm ấy. Đây cũng là cuốn tiểu thuyết có số lần tái bản kỷ lục lên tới hàng mấy chục lần. Tố Tâm đã đưa tên tuổi Song An – Hoàng Ngọc Phách vào hàng các nhà văn tên tuổi lúc bấy giờ “Trong cái rừng văn chương tương đối rậm rạp có trăm ngàn bông hoa đua nở, sản xuất ra các nhà văn viết đủ các loại truyện… Song An Hoàng Ngọc Phách chính là một thứ văn gia, tiểu thuyết “của một cuốn sách” trong văn học sử nước ta” (Vũ Bằng).