Cuốn tiểu thuyết Tấm ván phóng dao của “ông Hề” Mạc Can gây sự quan tâm đặc biệt năm qua. Người ta bảo ông hết viết được cái gì hay ho hơn thế. Nhưng đầu tháng này, ông ra tập truyện ngắn mới có tên Tờ 100 đô la âm phủ.
Với cái kiểu viết như kể chuyện thiệt, Mạc Can tiếp tục đem đến cho bạn đọc một “món văn” thuần phương Nam trong xoay tìm những nhân vật, thân phận thấp bé, lưu lạc giữa đời sống.
Cái nhìn của một ông hề trước sự lục đục cười ra nước mắt của gia cảnh đang đứng trước nguy cơ chia rẻ vì người đàn ông ngoại tình, người vợ tìm hết cách để níu giữ chồng, đòi tự tử ( Điện thoại khẩn cấp). Một cô gái giang hồ trong xóm lao động nghèo trở về từ trại phục hồi nhân phẩm, tìm được tình yêu và xây dựng mái ấm với anh chàng sứt môi có quá khứ đồi bại để rồi chính họ cũng tự hỏi, tình yêu và những vết thương cuộc đời kia, đâu là thực, đâu là mơ ( Tờ 100 đô la âm phủ) . Một sự cảm thông đến những người làm Ôsin để kiếm sống; thân phận Ôsin buồn tủi được “trang điểm” trong câu chuyện thấm đẫm chất huyền thoại dưới cái nhìn và lời kể chuyện nhân hậu của một… ông địa ( Ai đi tìm tượng thần Mỹ Nữ )…
Những mảnh đời ấy hằng ngày vẫn lướt qua trước mắt chúng ta. Những số phận bị lãng quên bước vào trang văn được chăm chút với tất cả sự hồn hậu của người viết. Viết như kể một câu chuyện để mà nghe. Không nặng nề bút pháp và kiểu cách. Một câu chuyện “ngang phè” như cách hàng sáng ta nghe được ở quán ăn vỉa hè, loáng thoáng đâu đó trên một chuyến xe đò, xe ôm hay có khi là chuyện kể của một ông già về giấc mơ ấu thơ của mình…
Rồi những nhân vật cứ bước đi lẫm chẫm trong cái sự quên quên nhớ nhớ ấy, nó gợi cho người ta ít nhiều băn khoăn về đời sống nghiệt ngã hằng ngày phải đối diện…
Đây là một cuốn sách, có thể gọi nó là tập truyện ngắn mang âm hưởng của những mẩu chuyện nhỏ về nghệ thuật sống đẹp. Không áp đặt gì cả, không ấn tượng để ghim vào trí nhớ như cuốn Tấm ván phóng dao, thế giới nhân vật của Tờ 100 đô la âm phủ chỉ lướt qua mau khi cuốn sách gấp lại. Để rồi người đọc chỉ nhớ mỗi một câu chân chất của một nhân vật: “…cho dù thế nào đi nữa, sống đẹp là một niềm vui!”.
Và, thưởng thức văn chương, có khi chỉ để tìm sự giản dị như thế!