Trung thu của bác đèn xếp
Đêm thật khuya, buổi sinh hoạt của đồ vật trong phòng bắt đầu như thường lệ. Bao giờ họ cũng tán gẫu với nhau về chuyện xảy ra ban ngày, hoặc về chú bé chủ nhân của một vài vật. Chị Tranh trên tường hồi này ít nói. Trước kia chẳng ngày nào chị ta quên khoe sắc đẹp của mình và nhắc đến những đôi mắt đã chiêm ngưỡng chị.
Ông Bàn lên tiếng trước nhất. Ông càu nhàu về vụ hôm nay chú bé lại làm đổ mực lên mặt ông. Ông già rồi mặt mũi nứt nẻ cả, giờ lại loang lổ mực xanh, mực tím thật dơ bẩn. Ông cảm thấy xấu hổ, mất mặt với bà con quá. Cái bệnh mọt ăn trong xương, trong mình ông vào mùa này lại thêm nặng. Hết cằn nhằn ông xoay qua kêu rên, rồi ông gây sự với chú Ngăn kéo:
– Đã nằm nhờ trong bụng người ta, còn rinh về đủ thứ, nặng muốn chết.
Thực ra, lỗi không phải ở chú Ngăn kéo. Cậu bé có món đồ chơi gì cũng tống vào lòng chú. Nhưng Ngăn kéo không cãi. Ông Bàn già rồi, “ kính lão đắc thọ ”. Ở với nhau lâu, chú biết tính ông. Ông hay cằn nhằn nhưng tốt bụng.
Anh Ghế cũng lên tiếng phụ họa với ông Bàn. Anh than phiền về vụ chú bé hồi này hay nghịch, thường đứng trên mình anh mà nhảy nhót hoài.
Anh Diều giấy suốt cả buổi chiều bay lượn mệt nhọc giờ này nằm ở gầm tủ ngủ bù. Nếu không, chắc anh đang ba hoa thuyết trình về tổ tiên của anh. Ôi! Thời đại của những ông Diều khổng lồ có sáo để ca hát vi vu giữa lưng trời. Anh thương nhớ thời đại đó biết bao! Tổ tiên của anh cũng chả bao giờ phải đeo một cái đuôi dài lằng nhằng như cái đuôi của anh bây giờ. Thân thể của các ngài rất cường tráng cân đối. Ít khi gió làm các ngài phải đảo nhiều vòng. Cần gì có đuôi để giữ thăng bằng.
Trầm lặng nhất là ông già Cung tên, ông mang dòng máu hiệp sĩ quí phái, lúc nào cũng kín đáo với lớp áo màu đen phơn phớt bụi phong trần.
Thỉnh thoảng, ông kể lại một cuộc phiêu lưu kỳ thú. Các đồ vật trong phòng tưởng chừng nghe tiếng quân reo, ngựa hí và thấy ông Cung tên, nằm gọn trong tay một Dũng tướng, đang tả xung hữu đột giữa trận tiền. Đêm nay, ông không nói, chắc ông đang thương nhớ một điều gì. Hay ông lắng nghe tiếng bọn guốc dép kể các cuộc du lịch của chúng và lòng thầm khinh bỉ. Bọn giầy dép được đi xa, biết nhiều, nói dóc nghe còn thương được. Lũ guốc chỉ quanh quẩn ở xó nhà, cũng góp lời, thật nản.