Nhà văn Thạch Lam là cây bút chủ chốt của nhóm Tự lực văn đoàn, Thạch Lam đã viết rất nhiều truyện ngắn. Gió lạnh đầu mùa là một trong những truyện đặc sắc của nhà văn. Khi đọc truyện ngắn Gió lạnh đầu mùa của nhà văn Thạch Lam, có nhà nghiên cứu văn học đã nhận xét:’”… Đọc Gió lạnh đầu mùa, người đọc vẫn thấy thú vị khi được cùng với nhân vật cảm nhận thấm thía bằng cảm giác, bàng tâm hồn những đổi thay của cảnh sắc; không khí thiên nhiên lúc chuyển mùa, của không khí sinh hoạt gia đình lúc có cơn gió lạnh đầu mùa tràn về. Tất cả đều quen thuộc mà mới mễ, bình dị mà vẫn bàng bạc chất thơ”.
Mở đầu truyện, hình ảnh thiên nhiên lúc giao mùa hiện lên vừa thú vị, vừa bất ngờ:
“Buổi sáng hôm nay mùa đông đột nhiên đến không báo trước. Vừa mới ngày hôm qua trời vẫn còn nắng ấm và hanh, cái nắng về cuối tháng 10 làm nứt nẻ đồng ruộng và làm vàng khô những chiếc lá rơi, Sơn và chị chơi cỏ gà ở ngoài đồng còn thấy nóng bức, chảy mồ hôi.
Thế mà qua một cơn mưa rào, trời bỗng đổi gió bấc, rồi cái lạnh ở đâu đến làm cho người ta tưởng đang ở mùa đông rét mướt”.
Đây là khung cảnh thiên nhiên miền Bắc nước ta, được Thạch Lam miêu tả rất chân thực. Nhà văn dường như đã lắng đọng lòng mình, lắng nghe sự thay đối của thiên nhiên bằng mọi cảm giác tinh tế. Điều này chỉ có được ở tâm hồn lãng mạn yêu đời. Cảm giác ấy được gửi gắm đến độc giả qua cảm nhận của chú bé Sơn. Trong tâm hồn của chú bé giàu lòng thương người này, mùa thu với mây bay lang thang trong nắng hanh vàng, với những làn gió nhẹ mơn man khắp da thịt dường như vẫn còn lưu lại. Mùa đông chợt đến mang theo cái rét mướt đặc trưng khiến Sơn bừng tình:” Nhìn rangoài sân, Sơn thấy đất khô trắng, những cơn gió vi vu làm bốc lên những làn bụi nhỏ, thổi lăn những cái lả khô lao xao. Trời không u ám, toàn một màu trắng đục”.
Khung cảnh mùa đông được chú bé Sơn cảm nhận bằng thị giác và thính giác. Mùa đông rất đẹp và thi vị, bức tranh mùa đông nổi bật với những gam màu trắng tự nhiên. Sự cảm nhận của Sơn càng lúc càng tinh tế “những cây lan trong chậu, lá rung động và hình như sắt lại vì rét”. Có thể nói rằng, từ trời, đất, cỏ, cây, hoa, lá đến con người cũng rung động bởi phút giao mùa.
Bên cạnh bức tranh thiên nhiên gợi không khí giao mùa đầy thơ mộng là bức tranh miêu tả sinh hoạt gia đình chú bé Sơn. Chú bé Sơn “không bước xuống giường như mọi khi, còn ngồi thu tay vào trong bọc, bèn cạnh đứa em bé nắm tay ngủ kỹ”. Điều đó chứng tỏ Sơn lớn lên trong một gia đình đủ ăn, đủ mặc, được chăm sóc chu đáo.
Khung cảnh sinh hoạt buổi sáng của gia đình Sơn bình dị mà ấm áp tươi vui:
“Chị Sơn và mẹ đã trở dậy, đang ngồi quạt hỏa lò để đun nước chè uống. Sơn đã nhận thấy mọi người đã mặc áo rét cả rồi”.
Khi mọi người quây quần bên nhau, nói chuyện về cái giá rét của cơn gió đầu mùa vừa uống nước chè nóng thì người vú già “xù xù cái áo bông cánh rách, xách siêu nước từ dưới nhà lên, vừa xuýt xoa vừa nói: Rét quá, múc nước cóng cả tay.
Vú giơ tay hơ trên hỏa lò. Mẹ Sơn hỏi: ‘
-Năm nay rét sớm hơn mọi năm vú nhỉ?”.
Rồi vú già, mẹ Sơn, Sơn, bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm vui buồn của mùa đông năm xưa. Nhìn bộ quần áo cũ, Sơn nhớ lại “những buổi đầu mùa rét từ bao giờ, lâu lắm, ngày Sơn còn nhỏ.” Cả nhà bỗng chạnh lòng khi “mẹ Sơn giơ lên cái áo bông cánh đã củ nhưng còn lành lặn, nói:
– Đây là cái áo của cô Duyên đây”.
Mặc dù Duyên, em gái của Sơn không còn nữa nhưng hình ảnh của Duyên vẫn còn sống mãi trong lòng những người thân.
Tóm lại, bức tranh đầu mùa đông được nhà văn Thạch Lam miêu tả rất chính xác, tinh tế. Cảnh vật như nổi hình, nổi khối trước mắt người đọc. Còn bức tranh sinh hoạt gia đình hiện lên vừa ấm cúng, vừa đơn sơ, vừa quen thuộc nhưng rộn ràng, hạnh phúc, dạt dào tình cảm, cảm xúc.
Có thể nói rằng, với ngòi bút tài hoa của nhà văn Thạch Lam, truyện ngắn Gió lạnh đầu mùa cũng như trong tập truyện Gió đầu mùa để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả trong suốt mấy mươi năm qua.