Đinh Phát chìa tờ “điện tín”. Cô y tá liếc nhìn. Lật cuốn sổ ghi tên bệnh nhân, dò tìm. Sổ bệnh nhân dày cộm lớn bằng cuốn lịch. Trang giấy nhăn nhúm, có nhiều dòng chữ vội vàng khác nhau của nhiều nét bút, ghi tên những con người bất hạnh khốn đốn một lần đến viện. Tên họ, tuổi, địa chỉ, người đưa đến và con bệnh. “Có rồi” – cô y tá nói. “Ông Đinh Quý bị trái nổ ở huyện A Lưới, nhập viện sáng sớm hôm qua. Nằm phòng hồi sức, giường số 9, phía kia kìa.
Phát đi theo lối chỉ của ngón tay cô. Hành lang im vắng lạnh lùng thoảng mùi cồn bệnh hoạn.
Cánh cửa đong đưa vào ra, đón chào người đến người đi, sơn dòng chữ đỏ “Phòng hồi sức”. Chiếc bàn vuông đặt giữa phòng, có nhiều người áo trắng ngồi quanh, những người canh giữ sự sống. Chục giường phía tay phải lấp kín những thân người bất động, im lặng. Phía bên kia, chục giường, nhiều băng gạc cuốn quanh, nhiều tiếng rên la. Cuối phòng, người chị dâu ngồi trên cạnh giường, đầu gục xuống, vì mỏi mệt.
Phát tiến lại gần, để nhẹ xách tay xuống nền gạch vàng ố, nhìn thân thể bất động trên giường được quấn chặt bởi băng gạc loang máu, có sợi dây trắng nhét vào mũi để thở, sợi dây đỏ thòng xuống cánh tay phải. Anh đặt nhẹ bàn tay trên vai chị. Khuôn mặt ngửng lên, đen ốm đẫm đầy nước mắt, tóc rối tung. Chị thì thào:
– Phát phải không?
– Em mới ra tới. Tối hôm qua nhận được điện tín của chị. Anh Quý bị trái nổ?
Chị gật đầu. Anh Quý nằm đó, băng kín đầu, mặt, chỉ chừa mũi miệng, tay phải chân phải đen đúa lấm chấm nhiều lỗ nhỏ đen đỏ. Bàn chân trái, bàn tay trái bay đâu mất. Bà chị khóc tức tưởi, rên xiết:
– Thằng Tèo chết rồi. Chưa kịp chôn. Xác còn trên làng. Mấy con bò cũng chết. Trời ơi, sao khổ quá hở trời!
Phát ngồi cạnh anh mình. Người anh còn sót lại trong đời. Anh nắm nhẹ bàn tay ốm o, chai cứng vì một đời lận đận. Bàn tay may mắn còn sót lại. Bà chị tiếp tục tỉ tê, khóc lóc. Nhiều người giống chị, chung quanh. Một vài người trong căn phòng nhỏ, giống anh Quý. Tiếng rên la, lăn lộn vì đớn đau trải dài trên những chiếc giường bệnh, vùng vẫy với thần chết trên các manh chiếu rách nát.
Chuyện con người, chuyện anh Quý, cu Tèo, chuyện con bò… bị bắn tung lên trời cháy đen. Chuyện xảy ra thường tình trên những vùng đất quê, làng A-sầu, miền núi non kế cận biên giới. Những vùng đất một thời oanh kích tự do, vẫn còn quá nhiều bom đạn đang ngủ quên bên dưới. Vùng một thời đồi trắng phơi xương… Chuỗi ngày tháng ấu thơ, Phát mang nhiều âm vang bom đạn réo ngày đêm. Cái thời Phát và Quý xuống tỉnh học, lâu lâu mới về thăm ba mẹ trên quê cao tít đỉnh núi.
Ở đó chỉ có những con người nghèo khổ, mộc mạc và nhiều dấu hố bom, trên mảnh đất khô cằn miền Trung. Đúng, vô số hố bom như khuôn mặt rỗ chằng chịt, như vết thương anh Quý hôm nay.
Ký ức là đất khô cháy, da thịt khô cháy, miệng Phát cũng khô héo theo. Bà chị thôi khóc, nước mắt đã cạn dần rồi.