Đã từ lâu tôi theo lời khuyên của nhà văn quá cố Nguyễn Hiến Lê là khi không biết về vấn đề gì thì nghiên cứu và viết về đề tài đó cũng như học sinh ngữ bằng cách dịch văn chương. Phương pháp đó quả thật hữu hiệu vì chỉ có viết về một đề tài, người ta mới chịu bỏ công tìm kiếm tài liệu, cân nhắc, so sánh để sắp xếp ý tứ. Có như vậy, sự hiểu biết về đề tài đó mới tương đối có chiều sâu. Lẽ dĩ nhiên, khi nghiên cứu về bất cứ một vấn đề gì thì chúng ta cũng bị giới hạn bởi chính cái sở học và hoàn cảnh của mỗi người, dù nỗ lực thế nào, chúng ta cũng chỉ biết được một phần rất nhỏ, và cái học đó bị lệ thuộc vào cái kiến thức của người khác chứ không mấy khi là do kinh nghiệm từng trải của chính mình.
Cách đây hai mươi năm, tôi đã định bụng sẽ dành một khoảng thời gian lớn để làm một số công việc mình thích. Đó là dịch lại toàn bộ truyện của Kim Dung theo ấn bản sau cùng của ông để cống hiến cho độc giả Việt Nam một áng văn chương đã một thời làm say mê nhiều thanh niên nam nữ. Thế nhưng khi bắt tay vào việc thì lại thấy cái sở học của mình hết sức ít ỏi, không phải chỉ vì cái vốn Hán văn nghèo nàn mà chính vì cái biết về Trung Hoa còn quá thô thiển. Thế hệ mà tôi sinh ra và lớn lên dường như không được mọc rễ trong một cái nôi văn hoá nào nên tình trạng kiến thức của mình ở vào thế “chân không đến đất, cật không đến trời”, dở dở ương ương, Tây cũng không đến đâu mà Tàu cũng chữ tác đánh chữ tộ. Có lẽ không phải chỉ cá nhân tôi mà nhiều người khác cũng ở vào hoàn cảnh tương tự, cái biết nào cũng lem nhem mà không cái gì biết cho rành.
Truyện Kim Dung nếu nhìn về phương diện tình tiết và kết cấu, chúng ta có cái cảm phục riêng. Ông đã dựng truyện và giải kết một cách tài tình. Điều đó không ai có thể phủ nhận. Thế nhưng, bên cạnh đó, truyện Kim Dung lại còn giống như một pho bách khoa bao gồm nhiều tiết mục văn hóa mà những ai muốn tìm hiểu đều phải mất nhiều thời gian và công phu. Những chi tiết ông đề cập tưởng như dễ dàng nhưng lùng kiếm trong kho tàng văn hóa Trung Hoa chúng ta tại thấy một chiều sâu hết sức đáng kể. Từ cầm kì thi họa, đến nho y lý số, võ thuật, khí công, cả một nền triết học bao quát và phong phú nằm ẩn tàng trong ba mươi sáu cuốn sách, mà mỗi chương, mỗi dòng người đọc nếu tìm hiểu đến lại bị dẫn đi từ đầu dây này sang mối nhợ khác. Đó là một tập đại thành của văn học và triết học, sử học khiến cho người nghiên cứu như đi vào một mê lọ, một khu rừng um tùm. Để dàn dựng cho công trình đọc và dịch Kim Dung, tôi phải đi ngược lại tìm hiểu cái sinh mệnh nằm xuyên suốt chiều dài lịch sử, đối chiếu các nguồn văn minh đã dung nhập trong kho tàng văn hóa của họ mà gần như dù có bỏ hết đời chúng ta cũng chỉ mới biết qua trên mặt bì phu.
Người ta vẫn thường nói văn hóa Trung nguyên là một sự tổng hợp của tam giáo: Nho – Thích – Lão. Thế nhưng mỗi một nhánh lại chia ra biết bao nhiêu nhánh nhỏ. Riêng Lão giáo hay đạo giáo, khởi nguyên đã phức tạp mà bàng môn, chi lưu lại thật nhiều. Từ thuyết âm dương, ngũ hành đẻ ra một bản đồ mù mịt bao gồm đủ cả nho y lý số, rồi phong tục tập quán của cả một xã hội với những thần tích không sách vở nào mô tả đủ. Cái phong hóa đó thấm sâu vào đời sống, đâm chồi nẩy lộc thành thiên hình vạn trạng khiến cho dù chúng ta nghiên cứu về một ngành nào cũng phải biết qua. Thế nhưng, quan trọng hơn cả là cái vỏ ngày càng dày, càng thêm nhiều tình tiết mà xa rời dần cái gốc. Cho nên, dịch Kim Dung không chưa đủ, chúng tôi lại muốn làm cả công việc bổ sung và giải thích những chi tiết quan trọng nhất mà độc giả muốn biết thêm; nhất là một người Việt Nam như tôi, muốn biết đằng sau đó người Trung Hoa nghĩ gì, và tạ i sao họ lại suy nghĩ như thế.
Để chuẩn bị cho công trình dịch thuật, chúng tôi cố gắng làm một số biên khảo tiên khởi về một số điểm chính mà trong khi trà dư tửu hậu chúng ta thường nhắc đến. Những bài viết ngắn này mong sẽ làm sáng tỏ thêm một vài điều mà giới hạn của thể loại tiểu thuyết không cho chúng ta biết, hoặc giả Kim Dung đã hàm ý cho rằng phàm hễ là người Trung Hoa thì ai ai cũng biết cả rồi, nhưng người Việt mình thì lại chỉ biết một cách mơ hồ. Điều đó cũng dễ hiểu vì mình chỉ đọc ké văn chương của một dân tộc khác nên vấn đề làm thế nào để thưởng ngoạn cho trọn vẹn hơn là việc của mình chứ đâu phải của người.
Loạt bài này bao gồm nhiều đề tài được viết như những nghiên cứu nho nhỏ – do một người hoàn toàn dốt về vấn đề mình đang viết – cốt để làm sáng tỏ những điểm thắc mắc trong khi dịch. Chúng tôi dự định là sẽ dùng những bài viết trong những phụ đính, như một kẻ rong chơi, lâu lâu dừng lại ngắm một bông hoa dại, quan sát một con chim, cánh bướm trên đường, để làm câu chuyện thêm hứng thú. Những đề tài đó có thể ở đủ loại từ võ thuật và các môn phái Trung Hoa, đến y học, tôn giáo, bang hội, tổ chức hành chánh, hệ thống cung đình, và cả những chi tiết lịch sử mà Kim Dung dùng làm bối cảnh cho tiểu thuyết. Có những đề tài lớn nhưng cũng có những đề tài nhỏ, nhưng lại quan trọng cốt để đọc Kim Dung thú vị hơn. Có những đề tài thiết thực cho đời sống thì cũng có những đề tài chỉ cốt mua vui. Tuy nhiên, dù lớn hay nhỏ, chúng tôi cũng cố đi theo nhung tiêu chuẩn khách quan, và nhất là dựa theo tài liệu nào khả tín chứ không dựa trên những sách vở ngụy tạo. Chúng tôi cũng không làm công việc phóng đại một nền văn minh mà chỉ cố làm công việc “thuật nhi bất tác” (thuật lại chứ không chế tác), không thêm mắm thêm muối cho câu chuyện thêm ly kỳ. Có lẽ đó cũng là một cách tôn trọng tác giả Kim Dung và độc giả.
Thế nhưng, như đã trình bày ở trên, những nghiên cứu này có mục đích mua vui nhiều hơn, và chỉ hết sức khái lược, có thể đóng góp ít nhiều cho những người không biết chứ không phải dành cho người chuyên môn. Nó lại hoàn toàn có tính sách vở chứ không do kinh nghiệm bản thân và nhấn mạnh vào việc làm sáng tỏ một số chi tiết mà khi đọc tiểu thuyết Kim Dung chúng ta gặp phải. Đó cũng là mục tiêu đầu tiên và cuối cùng của người viết những bài này.
Sau cùng, tập sách này có lẽ cũng chưa ấn hành ngay lúc này được nếu không có sự quan tâm tận tình của Nhà xuất bản Trẻ và của một số bằng hữu thân yêu, đặc biệt là của các anh Lê Đình Thuyên, Nguyễn Trọng Tiến, Lê Anh Dũng và Trần Văn Chánh. Mỗi người bằng cách riêng của mình đã giúp cho tập sách sớm được ra đời, nhân đây tôi xin trân trọng ghi nhận lòng biết ơn thật chân thành.
Nguyễn Duy Chính