“Của rơi” là một trong số ít phim truyện nhựa nói về đề tài đương đại với những khát vọng, suy nghĩ của thanh niên. Sự thông minh, cá tính của biên kịch Nguyễn Việt Hà cùng với thủ pháp dàn dựng phá cách của đạo diễn Vương Đức khiến tác phẩm làm nhiều khán giả phải ngẫm ngợi.
Phim mở đầu với khung cảnh Hà Nội nhìn từ trên cao vừa lãng mạn, cổ kính vừa ồn ào, bụi bặm với khuôn hình tuyệt vời được nhà quay phim Nguyễn Hữu Tuấn thực hiện từ trên trực thăng. Giữa những náo nhiệt, xô bồ của đường phố, nhân vật chính, nhà toán học Thắng xuất hiện. Anh lật bật bê xe đạp lên quá đầu để thoát khỏi đoạn đường tắc nghẹt. Thắng (Đức Khuê đóng) là trí thức người gốc Hà Nội, lớn lên trong một gia đình trung lưu đậm đặc văn hóa phương Đông. Anh chịu ảnh hưởng tâm linh từ ông nội (GS Văn Như Cương đóng), một nhà Nho giỏi dịch lý và thông hiểu Lão Trang. Thắng tốt nghiệp ĐH xuất sắc, được giáo sư Đào nhận về Viện để cùng nghiên cứu. Vì không đồng quan điểm nên anh bị trục xuất khỏi cơ quan. Anh xin vào dạy toán tại một ĐH nhưng vẫn âm thầm xây dựng lý thuyết toán kỳ dị của mình.
Với cặp kính to, dáng người lẻo khẻo, cùng chiếc xe đạp cà tàng, Thắng vừa có vẻ khờ khạo của một nhà khoa học quanh năm chỉ miệt mài nghiên cứu, vừa có vẻ dí dỏm, thông minh của người Hà Nội gốc. Đối lập với anh là sự năng động và quyết liệt của Dương (Lê Vũ Long đóng), bạn học cũ của Thắng. Cùng giáo sư Đào, Dương xây dựng một dự án cải tạo phố cổ nhằm kiếm lời và nhờ Thắng viết hầu như toàn bộ dự án. Dương yêu Huyền (Huệ Minh đóng), con gái giáo sư Đào nhưng kể từ khi gặp Thắng, cô lại phải lòng anh chàng nhếch nhác bởi cô phát hiện ra phẩm chất tuyệt vời của một trí thức có tài. Để trêu anh, cô đăng tin trên tivi rằng Thắng nhặt được một gói tiền. Kể từ đó, Thắng chịu sự quấy rầy bi hài của nhiều người.
Đội ngũ làm phim đồng đều từ người quay, họa sĩ tới biên tập khiến bộ phim cảnh quay kỹ đến từng chi tiết. Nhưng điều quan trọng là họ đã tạo được tinh thần và không khí của Hà Nội. Đây là một trong những dạng phim khó làm bởi nếu không khéo sẽ dẫn đến sự khó hiểu. Vương Đức tâm sự: “Là đạo diễn, tôi không bao giờ quên yếu tố hấp dẫn trong phim như kịch tính cao, hành động nhân vật nhanh, nhưng lần này tôi lại chọn cách dàn dựng khác. Tôi muốn người xem như nhẩn nha đánh cờ với những diễn biến của nhân vật, họ phải vừa xem vừa đoán. Tuyến nhân vật 1 có ý ẩn dụ, còn tuyến 2 là để giải nghĩa”.
Đức Khuê đặc biệt xuất sắc với vai Thắng, anh đã thể hiện được vẻ đẹp tinh thần, trí tuệ dưới vẻ khờ khạo ngày thường. Lê Vũ Long sành sỏi, tinh tường trong vai một thương gia. Chỉ có diễn xuất của vai Huyền khiến người xem thất vọng. Huệ Minh vào vai một cô gái Hà Nội có học, nhà giàu và cá tính, nhưng phong cách diễn xuất quá cứng nhắc và gượng gạo.
Việt Hà đặc biệt có tài khi miêu tả những tình tiết nhỏ rất dí dỏm, nhưng chính điều này khiến kịch bản có đôi chút bị gãy, vụn. Vương Đức đã rất bản lĩnh, tuy nhiên, phim cũng không tránh khỏi những đoạn người xem cảm thấy hụt hoặc thừa thãi.
Trong quá trình thực hiện Của rơi, đoàn làm phim đã rơi rất nhiều thứ. Đầu tiên là việc Nguyễn Việt Hà viết được 2/3 kịch bản thì bị mất. Trong quá trình quay phim, Nguyễn Hữu Tuấn mất 1 điện thoại di động, còn đạo diễn Vương Đức mất tới 2 chiếc. Nhưng bù lại, họ đã làm được một “của hiếm” cho điện ảnh VN năm 2002.
Kết phim là hình ảnh giữa ngã tư cây bàng, nơi có cột đèn xanh, đỏ, vàng đang nhấp nháy liên hồi, cả 3 nhân vật chính Thắng, Huyền, Dương đều bỏ đi mỗi người một phía. Số phận của họ ra sao tùy thuộc vào sự tưởng tượng của khán giả. Nhưng có một điều, họ khó có thể hàn gắn lại được những tình cảm đã mất, và đó là của mà họ đã đánh rơi.