VŨ HẠNH
Bút danh khác: Cô Phương Thảo, Hoàng Thành Kỳ, Nguyên Phủ, Minh Hữu.
Họ và tên khai sinh: Nguyễn Đức Dũng. Sinh ngày 15 tháng 7 năm 1926.
Quê quán: xã Bình Nguyên, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.
Tác phẩm chính đã xuất bản: Người chủ tiệm (kịch bản); Một giấc chiêm bao (kịch bản); Thưa biết rồi (kịch bản); Đọc lại chuyện Kiều (1966); Tìm hiểu văn nghệ (1971); Người Việt cao quý (tiểu luận, mang bút hiệu một người Italia là A.Pazzi, có nghĩa là bất di không thay đổi lập trường). Sau Hiệp định Paris được ký kết, tác giả đổi tên thành “Người Việt kỳ diệu” cũng của A.Pazzi mà Vũ Hạnh làm “dịch giả”.
Mở đầu
Thuở nhỏ, thỉnh thoảng tôi vẫn được nghe nhiều người nói về “con quỷ Xà Niêng” với đầu tóc rối, ẩn hiện giữa chốn rừng sâu. Những chuyện huyễn hoặc như thế là mối ám ảnh đối với đầu óc trẻ thơ, có thể sống khá lâu dài theo với tháng năm. Lớn lên, qua các sách vở, tôi hiểu Xà Niêng là một giống người thiểu số ở các vùng cao, trải qua nhiều đời không có điều kiện tiếp cận với các cuộc sống phát triển nên đã suy thoái, dần dần rơi xuống tình trạng nửa vật, nửa người. Chúng ta từng nghe nói về người Nục, hoặc người Đồi Mồi, hay là người Khả Lá Vàng, cũng đang chìm dần vào tình trạng ấy ở trong sâu thẳm Trường Sơn.
Vào năm 1969, ở tại nhà lao Tân Hiệp, hai anh bạn tù dân tộc Ra-đê là Y Bang Niê và Y Đuan Niê kể cho tôi nghe một chuyện Xà Niêng mà theo các anh, đó là sự thực: trước đây, có một người Pháp, làm việc ở Pleiku, trong một chuyến săn đi sâu vào trong rừng già, bắt được một con Xà Niêng. Ông đã tìm đủ mọi cách thuần hóa con “vật-người” ấy, rồi lấy làm vợ, nhưng cô Xà Niêng đã sớm lìa đời…