Viết chân dung khó, viết cho ra chân dung càng là điều chưa bao giờ dễ. Ấy thế mà, qua hàng chục bài ký và phỏng vấn trong cuốn ‘Chuyện làng văn’, Di Li đã gẩy ra được cái thần và khẩu khí của hơn 50 nhân vật thuộc giới văn chương.
Di Li hiện đại và tân tiến. Di Li mạnh bạo, dám nói, dám viết cái thức thời. Trong tác phẩm của Di Li, chị dựng lại chân dung của phần lớn bạn văn, bạn thơ, những người còn đang sống, đang viết cạnh mình. Không có độ lùi hay giãn cách của thời gian, Di Li viết những gì chị đang sống, đang thấy. Trước câu hỏi, liệu có ai trong số những nhân vật trong cuốn sách than phiền rằng chị viết sai về họ, Di Li cho biết, chị chưa nhận được phản ứng nào như vậy. Nữ nhà văn chia sẻ thêm, để một tác phẩm ra đời, tác giả phải làm hài lòng nhiều người: nhân vật, nhà xuất bản, bạn đọc. Nhưng quan trọng nhất, theo chị, vẫn là trung thực với cảm nhận của chính mình.
Trong cuốn sách, có những nhân vật được Di Li “vẽ” khá sắc nét. Ít nhất, trong số những người được Di Li “ký họa”, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, nhà văn Phạm Ngọc Tiến, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn đều công nhận rằng, Di Li đã vẽ “ra” chân dung họ. Đó là một Phạm Ngọc Tiến, thoạt nhìn bặm trợn, hùng hổ nhưng lại rất tình cảm và có những tật xấu đáng yêu. Hay nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên – “con nợ của nhân gian” – được Di Li kể từ giai thoại “chúa” nhận lời và hay thất hẹn, chỉ vì với ai cũng không thể nói “Không”. Hay một Phan Thị Thanh Nhàn với “nỗi buồn thơ kiêu hãnh”, tươi trẻ, sống dấn thân từng ngày vì không muốn để nỗi cô đơn xâm chiếm.
Phải là người gắn bó, thân thiết với các nhân vật mới có thể viết được về họ. Nhưng, quen rồi, thân rồi thì phải có tài, có độ nhạy cảm mới bắt đúng được cái thần của họ. Nhiều khi, chỉ lẩy một nét, một câu chuyện, một tính cách nhưng có thể làm nên cả con người. Di Li làm được điều đó. Người đọc có thể thắc mắc, liệu chi tiết này, chi tiết kia có thật hay không. Nhưng rồi họ sẽ không quan tâm tới điều đó nữa, vì dưới cái tài của Di Li, người ta đọc được một nhân vật, một con người với thần thái giống hệt họ ngoài đời.
Không chỉ viết về người đương thời, trong cuốn sách của Di Li có một số chân dung của người thế hệ trước. Trong đó, Kim Lân là một thành công của Di Li khi chị giúp người đọc đến gần hơn với tác giả của “Vợ nhặt”, “Làng”. Di Li lột tả được cái đôn hậu, giản dị, thật thà mà đầy ắp tình cảm của nhà văn Kim Lân. Từ cách ông nói chuyện về việc không viết truyện tình cảm vì “mặt mũi từ trước đến nay vẫn vậy, thậm chí ngày xưa còn xấu xí hơn nhiều, chuyện tình cảm làm gì có đâu mà viết”, đến cách nói chuyện ân cần, nghĩa tình về người vợ quá cố, khi nhớ về vợ là nhớ mãi “Có mỗi bà nhà tôi trước hay cho mận chứ làm gì còn ai. Mà mận Bắc Kạn ngon ghê lắm cơ” rồi lại xa xăm như đang mơ về người quá cố.
Đã là con người không phải ai cũng tốt. Vậy khi viết chân dung, Di Li ném cái xấu của nhân vật ở đâu? Di Li cho biết, chị không nhìn cuộc sống ở mặt tiêu cực. Những cái xấu của họ, là những cái xấu dễ thương, làm nên sự đáng yêu của cuộc sống. Thế nên, Nguyễn Ngọc Tiến, Phạm Xuân Nguyên cũng chẳng lấy làm giận khi Di Li “kể xấu” mình.
Viết về người khác, làm bật được cá tính của nhân vật, vậy, Di Li ở đâu trong những câu chuyện của làng văn? Trong từng bài viết, có thể đọc được ở mối quan hệ của chị với mọi người, ở cách chị tiếp cận với nhân vật để gẩy ra đúng chân dung của họ, ở những câu hỏi trong các bài phỏng vấn. Có thể nói rằng, không ở đâu có thể mất dấu tác giả. Người đọc vẫn bắt gặp một Di Li thông minh, táo bạo, hiện đại, nhưng cũng thấy một con người nhạy cảm, quan tâm đến cảm xúc của người khác, cẩn trọng và nghiêm túc với công việc mình làm. Người đọc có thể thấy một nhà văn dùng những kỹ năng báo chí trong tác phẩm, một nhà báo có văn hóa và tâm hồn trong những bài phỏng vấn. Theo nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến, Di Li có phông văn hóa, nhạy cảm, giàu trí tưởng tượng và hiện đại. Những thứ đó làm nên văn chương của Di Li, không chỉ ở cuốn sách mới này.
“Chuyện làng văn” góp một cái nhìn về đời sống văn chương và nghề văn, một thứ tư liệu quan trọng cho nền văn học, theo nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên.
Ngoài “Chuyện làng văn”, Công ty Văn hóa & Truyền thông Phương Đông, Công ty Cổ phần Tin học Lạc Việt và nhà văn Di Li cũng giới thiệu tới bạn đọc cuốn sách “The Black Diamond” với 18 truyện ngắn trước đó của Di Li được dịch sang tiếng Anh. Di Li được coi là lớp người trẻ tiên phong trong việc đưa văn học Việt Nam đến với thế giới. Trong buổi ra mắt sách của Di Li vì thế không chỉ có chuyện viết mà còn có câu chuyện của dịch thuật, chuyển ngữ và rộng hơn là câu chuyện của văn học Việt Nam trên đường đến với thế giới.
Buổi họp báo ra mắt tác phẩm “Chuyện làng văn” của nhà văn Di Li diễn ra chiều 27/6, do Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên dẫn chương trình.