Người yêu đầu tiên của tôi có một cái tên khá dũng mãnh: Võ Chí Dũng. Tuy vậy, cậu ấy thực ra là người rất hiền lành. Hiền đến nỗi lúc nào cũng sợ tôi giận và mỗi khi bị tôi làm bộ giận thì mặt cậu ấy lại méo xệch đi trông rất thương.
Bấy giờ chúng tôi đang học lớp hai và trước đó cũng đã từng có một năm chung lớp. Tôi lớp trưởng, cậu ấy tổ trưởng, nên cậu ấy… vẫn phải sợ tôi. Lớp trưởng tôi hồi ấy thì nghiêm. Tới bữa, ai xếp hàng không thẳng hay không chịu hát tập thể ba bài hát đầu giờ – giữa giờ – cuối giờ đều có thể bị lớp trưởng phết thước vào mông đau điếng. Mà điểm yếu nhất của Dũng lại là ở chỗ: Ba bài hát ngày nào cũng hát ấy không hiểu sao Dũng mãi vẫn không thuộc được, tới bữa cứ ấp a ấp úng như gà mắc tóc. Nhìn cái thước cây to đùng cứ lăm lăm trong tay tôi, Dũng lại càng có vẻ mất tinh thần, càng cố, càng quên hoặc hát sai lung tung. Không biết có phải vì dù sao cũng nể chức tổ trưởng của Dũng hay còn một lý do nào khác nữa mà riêng với trường hợp đặc biệt này, tôi chưa bao giờ dùng đến thước.
Dũng có vẻ rất biết ơn tôi về việc này và sau đó, do một chuyện tình cờ, cậu ấy đã phát hiện ra một cách để trả ơn tôi. Nguyên là một bữa, trong khi đi kiểm tra các bàn, tôi chợt phát hiện từ trong cặp Dũng thò ra một chùm giẻ lau bảng được kết bằng nhiều mảnh vải còn mới rất đẹp. Nghĩ tới con búp bê mới ở nhà, tôi bèn nảy ý thuyết phục Dũng đổi giẻ lau bảng. Tưởng khó, ai ngờ, Dũng mừng rỡ đồng ý ngay và còn hỏi nếu tôi thích, ngày mai Dũng sẽ mang cho nhiều mảnh đẹp hơn. Vì mẹ Dũng làm ở xí nghiệp may mặc nên thường rất hay mang về nhà nhiều vải vụn, muốn xin bao nhiêu cũng được. Từ đó, gần như ngày nào, Dũng cũng mang đến cho tôi rất nhiều vải vụn giữa bao nhiêu con mắt thèm muốn của bọn con gái. Cần phải nói thêm: bấy giờ trong thành phố chưa có nhiều nhà may như sau này, vải vóc còn mua theo kiểu phân phối nên việc xin được nhiều vải vụn như tôi quả là không đơn giản. Chị em tôi nảy ý sẽ kết chúng lại để làm thành những tấm vỏ gối thật tươi tắn và sặc sỡ. Rồi bố mẹ tôi sẽ tha hồ mà tròn xoe mắt trước tài khéo tay ấy của chị em tôi cho mà xem! Từ đó Dũng được tôi quý nhất lớp. Tới giờ hát không còn lăm lăm cái thước trong tay khi đi qua bàn Dũng (hồi ấy ở lớp tôi, làm lớp trưởng là được kiêm luôn chức quản ca). Thậm chí, nhiều buổi cả lớp ra chơi, tôi còn chịu khó ngồi lại trong lớp để dạy hát cho Dũng. Dũng nghỉ một buổi là tôi lo sốt vó, dù thực tình là nhớ cậu ấy thì ít mà nhớ đám… vải vụn thì nhiều.
Nhưng tôi thề rằng Dũng là người cực kỳ thiếu lập trường vì chỉ cần hôm nào tôi nghỉ ốm hay có đứa con gái trong lớp kỳ kèo nài nỉ từ mấy hôm trước là thể nào Dũng cũng lén lút đem chia cho nó bớt một nửa vải. Cũng có hôm Dũng tái mặt bảo quên mang, trong khi “tiến độ thi công” cái vỏ gối của tôi là không thể chậm. Có khi, tôi dặn mảnh đỏ, thật nhiều mảnh đỏ, Dũng lại nhớ nhầm sang mảnh xanh, hoặc nhăn nhó bảo không thể nào tìm thấy. Chính những lúc đó là Dũng ngay lập tức bị tôi giận cho tơi bời, cả buổi không thèm nói một câu nào. Và tới giờ hát, lại giương cao cái thước “Hitle” trong tay, đặc biệt là mỗi khi đi qua dãy bàn số 6. Chưa hết, tôi còn bắt cả lớp phải hát nhanh hơn, khỏe hơn và dọa: Nếu ai không hát nhanh kịp tôi sẽ thưa cô để cô… hạ điểm hạnh kiểm. Dũng rất sợ tôi làm già và thường mỗi lúc gặp sự cố như vậy, cậu lại tranh thủ các giờ ra chơi chạy thục mạng về nhà để lấy thêm vải cho tôi. Có hôm cậu ấy vào lớp trễ, bị cô giáo phạt đứng cuối lớp cho hết buổi, nhưng vẫn nhất quyết không chịu khai mình về nhà như thế để làm gì ngoài lý do: “Để quên bình nước ở nhà”, trong khi tay thì lại không hề cầm cái bình nào cả. Và mặc dù những lúc đó, tôi rất thương cậu ấy, cần cậu ấy hơn cả những đám vải vụn nhưng không hiểu sao tôi lại không dám dũng cảm đứng lên xin giúp cậu ấy một câu, vì hơn cả cái uy tín của một lớp trưởng, tôi còn chính là… con cô giáo nữa.
Phải mãi tận khi cậu ấy theo mẹ đến nhà chào mẹ tôi và xin làm thủ tục rút học bạ để theo gia đình chuyển vào Vũng Tàu, tay không quên mang theo một bọc vải vụn to tướng thì tôi mới bật khóc và hiểu ra: Thực ra tôi yêu bạn ấy vô cùng, yêu hơn những mảnh vải vụn kia nhiều. Vì ngoại trừ việc hát rất dở thì cậu ấy có một nước da thật là thích, trắng hơn tôi nhiều, cùng một đôi mắt thật to và ướt, trông đến tội. Và quan trọng hơn là những điều tôi biết quá muộn về cậu ấy: Dũng mất bố từ bé và chuyến chuyển nhà vào Vũng Tàu này cũng là do việc mẹ Dũng tái giá.
Về sau này khi biết chuyện, mẹ tôi cứ ân hận mãi vì chuyện từng bắt cậu đứng lớp. Còn tôi thì trằn trọc mất mấy buổi vì đã nghĩ ra quá muộn việc tặng cho cậu ấy cái vỏ gối mà chị em tôi đã kết bằng những mảnh vải vụn cậu cho. Mà nhà cậu ở đâu thì ở tuổi đó tôi làm sao mà biết và tìm được. Mà kể cả biết, thì cũng chắc gì đã dám đến…