– Chị bảo em bài tính này với. Gớm! Khó quá, thày giáo chưa giảng cho em.
Cô Chi đang ngồi trầm ngâm khâu áo, nghe em hỏi bỗng ngảnh sang phía em ngồi.
– Đâu? Đưa chị xem!
“Một người mẹ chết đi, để lại cho hai con một cái gia tài…”.
Một người mẹ chết đi! Câu ấy nhắc lại cái cảnh thương tâm vô hạn trong đời nàng.
Một buổi chiều về cuối thu năm trước – ngày cha nàng còn tòng sự ở Bắc Ninh – trên giường bệnh mẹ Chi hấp hối. Bà mắc bệnh đã hơn hai tháng nhưng vẫn cố gượng vì không muốn để phiền não cho chồng con. Mãi đến khi tự biết mình khó qua được nạn, bà mới bảo người nhà đánh giây thép gọi nàng. Lúc Chi về tới nhà thì mẹ nàng đã gần đuối sức, nhưng thấy con gái yêu, bà lại tươi ngay nét mặt rồi cầm tay nàng mà căn dặn:
“- Trời bắt mẹ con ta phân ly lúc này thực là nghịch cảnh… nhưng mẹ biết làm thế nào… Vậy con có thương mẹ thì phải thay mẹ mà trông nom em nó sao cho được nên người… Mẹ…”.
Nói đến đây bà thương tâm quá nên òa ra khóc, không nói được hết câu. Một lúc sau hồn bà lìa khỏi xác.
– Chị nghĩ gì thế? Bao nhiêu hở chị?
Chi đang lẩn mẩn nghĩ đến cảnh đau lòng nghe em nhắc bỗng giật mình cúi xuống vờ đọc lại bài tính rồi bảo em cách làm. Làm xong, Quý gấp sách lại hớn hở nói:
– Phần của người con trưởng lại bằng hai người con thứ, vô lý quá! Phải đều chứ lỵ…
Chi mỉm cười:
– Sao em lại bảo là vô lý?
– Vì nếu me có để cho chúng mình cái gia tài ấy thì chắc chị để cả cho em, chị nhỉ!
Câu nói ngây thơ của Quý khiến Chi cảm động đến rớm rớm nước mặt. Nhưng, muốn giấu em, nàng nói lảng: