Năm đó tôi mười bảy tuổi. Cái tuổi thường buồn những nỗi buồn không tên, rất vu vơ, ngờ nghệch và vớ vẩn. Buồn vì nắng, vì mưa, vì gió, vì mây… Buồn theo kiểu mà một nhà thơ đã “bắt mạch” rất hay: “Hôm nay trời nhẹ lên cao, tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn”. Nhưng trong tình huống này thì khác, nỗi buồn của tôi tượng hình tượng dạng, buồn có tuổi có tên hẳn hòi: buồn – vì – thi – rớt. Chính xác và cụ thể hơn: sau khi xong lớp 12, tôi rớt ạch khỏi cuộc thi tuyển sinh thường niên vào trường Đại học Kinh tế, rớt không còn đường để cứu vãn.
Còn nhớ những năm cuối thập niên 80 đó, mỗi thí sinh tốt nghiệp trung học phổ thông chỉ được đăng ký thi vào một trường Đại học duy nhất, và nếu không đậu được hệ A chính thức thì chỉ còn hệ B đóng tiền (điểm thi cũng phải suýt soát, chỉ được thiếu tối đa 1,5 điểm), và hệ C là… dự bị. Trong khi tôi lại thiếu tới 2,5 điểm so với mức chuẩn, nên coi như đành “bó tay”. Bởi vậy nên tôi buồn, một trận buồn kéo dài qua cả tháng kể từ khi nhận được tờ giấy báo tin “sét đánh” gửi về tận nhà (mặc dù trước đó “sét” đã “đánh” một lần rồi – lúc tôi đi xem bảng báo kết quả thi dán nơi sân trường Kinh tế, có tên tôi in kèm số báo danh, số điểm từng môn và một chữ “R” ở cột sau cuối, nhưng ngay cả trong lần hai tôi vẫn còn bàng hoàng, chưa muốn tin vào sự thật đau lòng đó).
Hẳn là đọc tới đây bạn sẽ thấy thoáng chút ngạc nhiên, và bạn tự hỏi, “Ủa sao kỳ vậy, chẳng lẽ “đằng ấy” thi sớm một năm?”. Rằng – thì – là bạn đã đúng, tôi trở thành “sinh viên” lớp một từ khi mới được năm tuổi. Thuở tôi còn nhỏ xíu, ba mẹ tôi đã vô cùng hãnh diện. Bất cứ gặp ai, hai người cũng hớn hở khoe rằng có đứa con thần đồng. “Nó mới ba tuổi thôi mà đã biết đọc chữ vanh vách” (sự thật đúng là tôi có khả năng ấy: những bảng hiệu to trên đường hay những tựa báo, chuyện “đọc chữ vanh vách” đối với tôi chỉ là chuyện nhỏ). Bởi vậy ba tôi đã quyết định sửa khai sinh để xin cho tôi đi học sớm. “Danh chánh ngôn thuận” thì sáu, nhưng tuổi thật tôi chỉ mới vừa lên năm. Nói nào ngay, hồi cấp một, cấp hai tôi học rất giỏi, cũng đáng làm mát mặt mẹ cha. Dần lớn lên, tới tận lớp chín tôi vẫn còn học giỏi. Năm nào tôi cũng được chọn vào lớp tuyển. Mấy lần đi thi học sinh chuyên toán, chuyên văn cấp Quận, rồi cấp thành phố. Dựa trên đà đó, ba mẹ tôi đinh ninh việc vô Đại học của tôi chỉ còn là chuyện của thời gian. Đến hạn thì đi thi, và đến thi thì phải đậu. Chuyện trong gang tấc! Chẳng ai nghĩ một thí sinh có nền tảng học tập “cứng cựa” và một bảng thành tích đáng nể như tôi lại có thể thi rớt. Mà là rớt đau thương, thê thảm, tan nát.
Phải “moi móc” lại chuyện ngày xửa ngày xưa kể cho bạn nghe, cũng chỉ vì mong bạn hiểu rằng tôi đã khổ tâm đến mức nào. Nếu người khác buồn vì thi rớt một phần thì tôi đã phải buồn hơn gấp mấy. Cái chính là do tôi đã làm ba mẹ quá thất vọng, đặc biệt là mẹ – người đã gởi gắm vào tôi giấc mơ ngọt ngào nhất của thời hoa niên mà mẹ đã không thể nào thực hiện. Thời của mẹ – mọi thứ đều thiếu thốn, cực khổ, khó khăn, vất vả trăm bề, chẳng được như tôi bây giờ, nên mẹ đành phải “ra đời” đi làm sớm, không thể học tiếp lên cao sau khi tốt nghiệp xong phổ thông. Chính vì vậy mẹ đã vô cùng mong mỏi tôi thi đậu vào Đại học Kinh tế, để “đeo” cho bằng được một ngành học nào đó có liên quan tới công việc “làm ăn, kinh doanh”. Mẹ muốn cho đời tôi sẽ được sung sướng, an nhàn, thảnh thơi, giàu có… Không day dứt, lao tâm khổ tứ vì cơm áo, gạo tiền, mắm muối như đời mẹ.
Tôi vẫn còn nhớ như in trong hồ sơ đăng ký dự thi, phần nguyện vọng ngành học tôi đã đánh dấu “X” chọn ngay “Kinh tế Vật tư”, dù cũng không hiểu mấy về công việc này. Bạn bè tôi, hùa theo câu “văn vần” thời thượng – lúc đó đang lan truyền khắp các cửa miệng về mốt chọn ngành học – đã thi nhau “nhất Y, nhì Dược, tạm được Bách khoa”. Chỉ có những đứa rất “thực tế” trong định hướng – tương tự như tôi – mới thẳng đường theo “Kinh tế” mà đi.
Bây giờ ngồi nhớ lại, kể cho bạn nghe thì tôi đã bình tĩnh lắm. Chứ dạo ấy, sự thật là tôi chỉ còn muốn chết! Vốn là một cô bé đa cảm, đa sầu, hay mơ mộng, ưa mê đọc những trang tiểu thuyết diễm tình đẫm lệ, khi buồn đến tan nát cả cõi lòng, buồn tới không gì có thể buồn hơn, tôi chỉ còn cách lặng thầm mơ cho mình một cú… tự tử – sao cho day dứt và ngọt ngào nhất. Chết đi trong chiếc áo đầm vải mềm và trắng như tuyết chẳng hạn, với thân xác phủ đầy hồng hoa – thứ hoa hồng vàng lạnh lùng kiêu sa tôi vô cùng yêu. Đó là kiểu chết đẹp tuyệt vời mà các nhân vật nữ thơ dại và trẻ trung thường chọn mỗi khi có sự gì bất đắc ý, hoặc bất đắc chí (ấy là tôi đọc được từ những cuốn sách). Cũng không hiểu họ mua ở đâu thứ thuốc độc êm dịu để uống vô xong, thác xuống tuyền đài rồi mà nét mặt và thân thể vẫn còn xinh đẹp và tươi nguyên, giống y như đang nằm ngủ. Thậm chí đôi môi hồng son vẫn còn hé nở một nụ cười ngất ngây. Tẩn mẩn trộm nghĩ, lẽ ra “tử nhân” phải co giật đùng đùng, quơ quào và sùi bọt mép tứa ra hai bên cằm, trông kinh khủng và ghê gớm lắm – chứ không thể ngọt ngào và tươi tắn giống như trong sách tả vậy được. Nhưng thôi, văn học chấp nhận mọi sự tưởng tượng, và không thể cấm nhà văn không được hư cấu.