Làm việc với một nhóm, dù ở cương vị người trưởng nhóm riêng lẻ hoặc lãnh đạo vài nhóm, là một phần quan trọng trong vai trò của người quản lý. Hình thức làm việc theo nhóm ngày càng trở nên phổ biến khi các tổ chức gồm nhiều tầng nấc trong những công ty truyền thống đã nhường chỗ cho cách thức làm việc bao quát và đa năng. Quyển sách “Quản lý nhóm” này là một tài liệu hướng dẫn thiết thực và không thể thiếu được khi quản lý nhóm, bao gồm nhiều lĩnh vực như xác định các kỹ năng để hoàn thành một dự án, xây dựng niềm tin giữa các cá nhân trong nhóm, và tối đa hóa hiệu quả thực hiện công việc. Đây cũng là một cẩm nang quan trọng đối với bất cứ ai tham gia làm việc theo nhóm cho dù họ chỉ là người mới bắt đầu hoặc là một trưởng nhóm đã có nhiều kinh nghiệm. Với bảng tự đánh giá vào cuối quyển sách bạn có thể kiểm tra khả năng quản lý của mình, và với 101 lời khuyên súc tích cùng những ví dụ cụ thể sẽ giúp bạn có được những thông tin thiết thực và khách quan về việc quản lý nhóm.
KHƠI DẬY TIỀM NĂNG
Không có giới hạn nào đối với tiềm năng của một nhóm làm việc có hiệu quả. Đứng trước một nhiệm vụ “không thể thực hiện được”, các thành viên của nhóm sẽ củng cố niềm tin cho nhau để biến cái “không thể” đó thành hiện thực. Khả năng đổi mới của tập thể mạnh hơn khả năng đổi mới của mỗi cá nhân, vì khi sức mạnh trí tuệ của nhóm, cho dù có ít thành viên, được kết hợp lại sẽ vượt qua sức mạnh trí tuệ của một người. Bằng cách khai thác sức mạnh trí tuệ này, một nhóm làm việc có thể đạt được những đột phá thực sự. Chẳng hạn, một nhóm kỹ sư trong công ty được yêu cầu tăng gấp đôi công suất máy. Vấn đề tưởng như không thể thực hiện được. Thế nhưng với sự kết hợp của cả nhóm, năng suất máy đã tăng gấp ba, cao hơn so với yêu cầu.
LÀM VIỆC TẬP THỂ
Để khai thác và tận dụng tối đa lợi thế sức mạnh làm việc theo nhóm, cần khuyến khích sự kết hợp trí tuệ và tính cách của từng cá nhân. Điều này rất quan trọng để đạt được những kết quả. Việc đề ra các mục tiêu dài hạn cho một nhóm sẽ khuyến khích nhóm đó làm việc theo tinh thần tập thể, tạo ý thức làm việc khẩn trương, loại bỏ thói quan liêu tiềm ẩn khi cả nhóm cùng tập trung để đạt được những kết quả cụ thể trong thời gian ngắn nhất có thể được. Tác động từ kết quả đột phá đó của một nhóm riêng lẻ có thể là động lực để kích thích tinh thần làm việc của toàn công ty.
NẮM VỮNG MỤC TIÊU CHUNG
Khi một nhóm làm việc được hình thành, bước quan trọng tiếp theo là xây dựng các mục tiêu hoạt động cho nhóm. Nhóm sẽ khó phát triển nếu tất cả các thành viên trong nhóm đều theo đuổi những mục đích khác nhau. Các mục tiêu có thể thay đổi trong quá trình hoạt động, chẳng hạn nếu một sản phẩm mới được tung ra thị trường, ưu tiên hàng đầu của nhóm là tập trung nghiên cứu tính cạnh tranh của sản phẩm đó. Nếu vì mục đích nâng cao sự thỏa mãn nhu cầu của khách hàng, mục tiêu đầu tiên của nhóm sẽ là tìm cách cung cấp dịch vụ có chất lượng cao hơn. Tùy theo từng trường hợp, mục tiêu làm việc của nhóm sẽ là:
Nâng cao năng suất sản xuất.
Cải thiện chất lượng sản xuất.
Làm cho tất cả những người lao động cùng tham gia vào quá trình ra quyết định nhằm nâng cao mức độ thỏa mãn công việc của họ.
Xem xét hệ thống và thực tế làm việc để giảm lãng phí thời gian.
Xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với khách hàng để nắm rõ các nhu cầu của thị trường.
Một trong những bí quyết để lãnh đạo nhóm thành công là phát huy kỹ năng của các thành viên trong nhóm sao cho phù hợp với hình thức công việc mà họ thực hiện. Chẳng hạn, khi một sản phẩm được khởi xướng và cần có những ý tưởng mới, nhóm làm việc phải là nhóm đa chức năng, gồm những người từ các bộ phận khác nhau có thể áp dụng những chuyên môn và khả năng sáng tạo riêng để nghiên cứu một đề án từ nhiều góc độ. Ngược lại, nếu một công việc yêu cầu phải có kiến thức chuyên sâu về hệ thống kế toán, rõ ràng cần tuyển dụng đặc biệt một người trong số những người có hiểu biết xuất sắc về chuyên môn tại bộ phận tài chính. Khi cần phải thay đổi một dự án, nếu cần thiết nên thay thế những thành viên không còn vai trò thích hợp nữa bằng những thành viên mới.