Cái học Trí lương-tri của Vương Dương-minh đã nói ở trong sách Nho-giáo toàn tập, nhưng vì sách ấy xét cái uyên-nguyên của Nho-giáo từ đời thượng-cổ tới ngày nay và kể hết sự biến-thiên về đạo-thống trải qua đời Tần Hán, Tùy Đường, Tống Nguyên, Minh Thanh v.v…, thành ra liên-miên có nhiều học-thuyết và học-phái trong các thời-đại, độc-giả xem sách ấy có khi không để ý mà xét một học-thuyết nào cho kỹ-lưỡng. Chúng tôi thấy một cái học có giá-trị về đường tư-tưởng và đường thực-hành như cái học của Vương Dương-minh lẽ nào lại để thờ-ơ mà không suy-xét cho tường-tận. Vậy nên chúng tôi trích ra và thu lại làm một quyển rồi in riêng ra để ai muốn chuyên xem cái học ấy thì có sẵn mà xem cho tiện.
Cái học của Vương Dương-minh chính là cái học tâm-truyền của Khổng Mạnh và lại là phần tinh-hoa của Nho-giáo. Song vì sau đời Chiến-quốc qua đến đời Hán, Nho-giáo đã trở nên quốc-giáo, sự học của Nho-giáo từ đó về sau chỉ chuyên trị về mặt công-truyền. Các học-giả tuy vẫn lấy kinh Truyện làm căn-bản cho sự học-tập, song chỉ học theo lối ký-tụng và lối từ-chương mà bỏ nhãng những vi-ngôn đại-nghĩa của thánh-hiền, thành ra cái học tâm-truyền gián-đoạn trong một thời-gian khá dài. Đến đời Tống các danh-nho bối xuất, lại vì có sự kích-thích của Phật-giáo và Lão-giáo, mới đem cái học tâm-truyền mà phát-huy ra. Qua sang đời Nam-Tống có Chu Hối-am và Lục Tượng-sơn, hai nhà đại-nho bàn về việc học, song mỗi nhà thiên về một mặt. Họ Chu thì chủ-trương sự nói học-vấn, cốt tìm cái lý của vạn sự vạn vật ở ngoài cái tâm : họ Lục thì chủ-trương sự tôn đức-tính, cho vạn sự vạn vật đều ở tâm mà ra, cốt giữ cái tâm cho sáng-suốt thì thấy rõ cái lý của vạn sự vạn vật. Bởi vậy mà thành ra trong phái lý-học đời Tống chia ra làm hai ngành gọi là Chu-học và Lục-học.
Lục-học tức là cái tâm-học-truyền đến đời nhà Minh, Vương Dương-minh, nhân cái mối tâm-học ấy mà xướng lên cái thuyết Trí lương-tri, tức là cái học-thuyết chúng tôi muốn đem nêu ra ở trong sách này vậy.
Cái học của Vương Dương-minh có cái tông-chỉ rất cao-minh và, xét kỹ ra, có thể sánh ngang với Thiền-học bên Phật-giáo và bên Ấn-độ-giáo, mà lại là cái học rất linh-hoạt, rất thiết-thực của Nho-giáo, có thể đem học-giả đến chỗ yên-lặng trong những khi có phong-ba bão táp. Một cái học như thế, tại sao về sau lại mai-một đi mất ? Nguyên là Nho-giáo không phải là một tông-giáo như các tông-giáo khác. Tông-giáo nào cũng có tăng-lữ, có giáo-hội để giữ giới-luật, để giảng-dạy và truyền đạo theo một sự tổ-chức có kỷ-luật rất nghiêm-mật. Nho-giáo không có những hình-thức ấy, không có sự tổ-chức ấy, chỉ để cho những người đi học là bọn sĩ-phu được tự-do theo kinh Truyện mà học-tập, mà giảng-dạy, miễn là đem thi-hành cái đạo của thánh-hiền để giữ vững cái nền luân-thường đạo-lý trong nhân-quần xã-hội là được. Bọn sĩ-phu ấy tuy không có sự tổ-chức gì, nhưng có cái tính-cách giống như bọn tăng-lữ của các giáo-hội, cốt để truyền đạo và giữ đạo-thống cho ngay-chính. Những người theo Nho-giáo phải học kinh Truyện theo những nghĩa của các tiên-nho đã giải-thích, mà phần nhiều những nghĩa ấy là do những danh-nho như Trình Y-xuyên và Chu Hối-am đã định ra. Họ Trình và họ Chu lại có danh-vọng rất lớn, cho nên về sau những người đi học thường phải học theo cái học của hai họ ấy. Ai học đã thành tài, đã thi đỗ rồi, hoặc ra làm quan, hoặc ở nhà mở trường dạy học, đều phải lấy Trình Chu làm tiêu-chuẩn và làm khuôn-phép. Thành ra từ đời Tống trở đi, triều-đình và phần nhiều sĩ-phu đã công-nhận cái học của Trình Chu, thì tất-nhiên cái học ấy, dù sao, cũng giữ được phần thắng lợi. Còn các học-phái khác, muốn tốt-đẹp thế nào mặc lòng, khi triều-đình và đại đa số sĩ-phu đã không theo, thì tất phải đi đến chỗ mai-một. Đó là cái nguyên-nhân làm cho cái học Trình Chu giữ được thế-lực trong Nho-giáo, và cái học của các học-phái khác như cái học của họ Lục, họ Vương không tồn-tại được.
Song xét cho kỹ ra thì một cái học có nhiều người theo vị tất đã là thật hay ; mà một cái học không tồn-tại nữa vị tất đã là thật dở. Chẳng qua là thường do cái hoàn-cảnh, cái tình-thế nó khiến ra như thế, chứ không phải do sự thật hay, thật dở. Chúng tôi nghĩ như thế, và lại thấy cái học Trí lương-tri của Vương Dương-minh rất uyên-thâm cao-viễn mà lại có cái nghị-lực hùng-hậu, cho nên chúng tôi đem phô-bày ra để những nhà hiếu học có chỗ mà xét-hỏi và phán-đoán cho khỏi sai-lầm.
Mong rằng trong cái thời-đại loạn-lạc, nhiễu-nhương này, lòng người ly-tán hoang-mang, không biết đi con đường nào cho phải, quyển sách nhỏ này có thể giúp cho người ta tìm được chỗ bờ-bến để đứng cho vững mà định sự tới lui cho hợp đạo-lý, khỏi sa vào hang-hố hiểm-nghèo. Được như thế thì sự mong của ta cũng không phải là một sự viễn-vông vô-ích vậy.
Lệ-thần TRẦN TRỌNG KIM