Trong những công trình sử học của Phan Khoang ở thập kỷ 50 – 70 của thế kỷ XX, người ta còn chú ý đến tác giả này bởi lẽ, ông đã dành rất nhiều công sức của mình vào việc nghiên cứu Lịch sử xứ Đàng Trong. Tất nhiên ông không phải là người duy nhất để tâm, có nhiều tác giả ở miền Nam trước 1975 đã có những thành công nhất định trong việc khai phá địa hạt này như Lê Kim Ngân, Nguyễn Thế Anh, Sơn Nam, Nguyễn Hiến Lê…
Tuy vậy, theo chúng tôi, các công trình của Phan Khoang như Việt sử xứ Đàng Trong (1558-1777) – Cuộc Nam tiến của dân tộc Việt Nam, ngay từ khi mới ra mắt bạn đọc đã sớm được ghi nhận. Vấn đề là ở chỗ, tác phẩm này không chỉ là sự phục hiện hệ thống và chi tiết nhất về lịch sử hình thành Vương triều Nguyễn nói riêng và lịch sử Đại Việt thời Lê – Trịnh nói chung, mà còn được dưa trên căn bản hệ thống tư liệu rất đồ sộ, quý hiếm. Chúng ta biết rằng, viết về lịch sử xứ Đàng Trong, không chỉ đụng đến lịch sử cuộc Nam tiến hào hùng, đẫm mồ hôi nước mắt của những người con dân Việt can đảm và khai phóng, mà còn đề cập đến lịch sử của vương quốc Chăm Pa, vấn đề Chân Lạp… những thách đố với giới sử học lúc đó và cả ngày hôm nay.
Chúng ta biết rằng, lịch sử cuộc Nam tiến của dân tộc Việt Nam (1558 -1777) bắt nguồn từ sự xuất hiện cục diện chính trị Trịnh – Nguyễn phân tranh ở hai bờ sông Gianh. Thử thách lớn đầu tiên của các chúa Nguyễn, “công việc các chúa Nguyễn làm ở Nam Hà” không chỉ là việc tạo dựng lực lượng để “Bắc cự” (chữ dùng hay lột tả 200 năm nội chiến Trịnh – Nguyễn) mà còn lần lượt giải quyết vấn đề Vương quốc Chămpa (tác giả gọi là Chiêm Thành) cũng như vấn đề Thủy Chân Lạp. Tác giả có những nhận định sắc nét: “Như đã thấy, khi cuộc chiếm cứ hết đất Chiêm Thành gần như hoàn tất, với những hoạt động ngoại giao, quân sự, các chúa Nguyễn lần lượt xâm lấn Thủy Chân Lạp để đem vào bản đồ miền Nam rộng rãi, phì nhiêu. Ngoại giao để can thiệp nội tình Hoàng gia Chân Lạp mà nhất là Tiêm La… Còn quân sự chỉ khi cần mới dùng đến” .
… Đúng như cái tên sách rất gợi cảm, Việt sử: Xứ Đàng Trong (1558-1777) – Cuộc Nam tiến của dân tộc Việt Nam không chỉ là một cuốn lịch sử của một phần cơ thể dân tộc, quốc gia Việt Nam mà còn là một trong những cuốn sách đầy đặn bậc nhất ở thập kỷ 60 về những vấn đề cơ bản của công cuộc khai phá vùng đất Nam Bộ ngót 300 năm. Đặc biệt, cây bút sử học Phan Khoang có được những nhận định về bản chất của các sự kiện lịch sử (vốn rất phức tạp và chồng chéo) được đưa ra trong quá trình “phục hiện lịch sử Đàng Trong”, sau gần 50 năm, vẫn có sức tham khảo, gợi mở với nhận thức lịch sử ngày nay.
Xin có đôi lời về phong cách viết sử của Phan Khoang: một ngòi bút lịch lãm mà giản dị, uyên thâm mà rất bình dân kể cả khi phải đề cập đến những kiến thức lịch sử phức tạp… Nhờ đó, cuốn lịch sử hơn 200 năm mà ông gọi là Việt sử: Xứ Đàng Trong có được một cấu trúc tưởng đơn giản mà chặt chẽ, ngồn ngộn sự kiện mà vẫn không che lấp gương mặt những nhận vật lịch sử, từ tính cách của các chúa Nguyễn đến hình ảnh người bình dân (tác giả gọi là “sinh hoạt của nhân dân”), ngòi bút sử học chính thống được pha trộn khéo léo với văn phong sắc bén của nhà báo, có khi còn mang chút hơi hướng của “tiểu thuyết lịch sử”.
Công trình nghiên cứu tầm cỡ, với dày đặc tên nhân vật, địa danh đều chú kèm chữ Hán rất cẩn trọng này được Nhà xuất bản Khai Trí xuất bản lần đầu tiên năm 1969. Không đầy một năm sau, Phan Khoang mắc bệnh nặng phải ra nước ngoài chữa bệnh. Năm 1971, ông trở lại Sài Gòn rồi mất. Trong bối cảnh đặc biệt của thời cuộc, Việt sử xứ Đàng Trong (1558-1777) (cuộc Nam tiến của dân tộc Việt Nam) đã phản ánh nhận thức của giới sử học miền Nam trước năm 1975 về lịch sử xứ Đàng Trong và những nỗ lực của họ trong phục hiện quá trình xác lập chủ quyền bờ cõi, hoàn chỉnh không gian quốc gia Việt Nam. Có gì đó ẩn hiện phía sau những trang sử ấy là nỗi niềm của một nhà sử học miền Nam, trong bối cảnh đất nước chia cắt và chiến tranh. Mỗi chữ, mỗi dòng đều đáng quý.
– trích Lời giới thiệu của GS-TS Đỗ Quang Hưng