” Viết dưới ánh đèn dầu” là dòng chữ đầu tiên trong cuốn Nhật ký của Họa sĩ Bùi Xuân Phái năm 1970, được làm tên cho cuốn sách giới thiệu những ghi chép của ông viết trong 30 năm (1958 – 1988). Bùi Xuân Phái là một trong số ít những họa sĩ Việt Nam ngoài xây dựng hệ thống tư liệu vẽ cẩn thận còn liên tục ghi nhật ký. Những gì ông viết chỉ là suy tưởng riêng của bản thân, song tất cả đều toát lên những trăn trở về nghệ thuật, cho nghệ thuật và chỉ cho nghệ thuật mà thôi. Những suy tư cuối cùng cũng chỉ để làm sao vẽ cho đẹp hơn, đi gần đến bản chất nghệ thuật hơn. Bùi Xuân Phái không định tuyên ngôn, gia tài hội họa của ông đã quá phong phú cũng không định triết lý thẩm mỹ, mà nhận định trực tiếp các hiện tượng xã hội liên quan đến nghệ thuật. Những suy nghĩ khác về cuộc sống, cũng chỉ là làm thế nào để miếng cơm manh áo không can thiệp được vào hoạt động sáng tạo nghệ thuật. Cũng như mọi nghệ sĩ lớn, Bùi Xuân Phái luôn đặt câu hỏi nghệ thuật là gì ? Thế nào là nghệ thuật ? Làm như vậy có phải là nghệ thuật không ? Cái đẹp nằm ở đâu ? ông lặp đi lặp lại, nhắc đi, nhắc lại, tự nhủ mình, tự trả lời, tự băn khoăn trong một cuộc sống đầy lo âu, gánh nặng mà nếu ai không sống qua thời kỳ đó cũng khó lòng hiểu hết những gì ông viết. Thời kỳ không chỉ khó khăn về kinh tế, đe dọa của bom đạn mà còn có cả thói đạo đức giả, nghệ thuật giả, chủ nghĩa cơ hội, sự ấu trĩ mà cả những kẻ ưa chụp mũ lên người khác.
Qua những trang nhật ký của Bùi Xuân Phái ta thấy rõ những biến đổi phức tạp trong cuộc sống mà ông đã trải qua, đã vượt lên để khẳng định mình trong nghệ thuật và trong cách sống. Những gì ông viết ra thường không để dạy ai về nghệ thuật mà tự khuyên ta tu dưỡng nên người, nhất là làm người nghệ sĩ trong cuộc đời cụ thể. Lời nói, câu viết của ông như mặt sau của tấm tranh và cũng là phần ngầm của tảng băng. Chúng là chứng cứ cho sự tồn tại bền vững của hàng ngàn tác phẩm ông đểâ lại. Từ 1958-1974, Nhật ký và ghi chú của Bùi Xuân Phái được ghi trên 14 quyển lịch tay thường niên và 5 cuốn sổ tay. Đây là giai đoạn ông sáng tác các đề tài tranh khỏa thân và trừu tượng, chúng cũng được giữ kín như những ghi chép trên, chỉ có một vài ngời bạn thân của Họa sĩ biết đến. Từ 1975 cho đến lúc lâm chung (1988) ông tiếp tục ghi trên 13 cuốn lịch tay và trên nhiều mẩu giấy, lề tranh bất kỳ … Tất cả những tài liệu trên được gia đình lưu giữ đầy đủ. Riêng năm I958-1960 chưa có lịch tay nên ông ghi ra sổ, đặc biệt cuốn nhật ký viết năm 1972 bị thất lạc không rõ lý do và mới tìm được bản sao. Từ những tài liệu này Bùi Thanh Phương (con trai Bùi Xuân Phái) và nhà sưu tập Trần Hậu Tuân biên soạn thành cuốn sách. Qua những trang viết giúp ta hiểu thêm giá trị các tác phẩm hơn, con người tác giả hơn. Tinh thần ấy làm ta nâng niu quí trọng những dòng nhật ký của Bùi Xuân Phái. Thêm yêu kính và biết ơn công lao đóng góp cho nghệ thuật của ông.
Hanoi, tháng 8/2000