Bộ ĐCTHTQ gồm hai cuốn, cuốn Thượng do nhà Cảo Thơm xuất bản năm 1965, cuốn Hạ cũng do nhà này xuất bản năm 1966. Bộ này, theo như cụ cho biết, “được giới trí thức hoan nghênh, chính phủ tặng giải nhất Văn chương toàn quốc, ngành biên khảo”.
Sau hoàn thành việc “học để viết” bộ ĐCTHTQ trong hai năm, cụ Nguyễn Hiến Lê “nhân đà đó tiến sâu thêm về Trung triết” và cụ đã viết thêm trên mười cuốn nữa về triết học thời Tiên Tần, trong đó có vài cuốn viết chung với cụ Giản Chi. Một trong các qui tắc tự học của cụ Nguyễn Hiến Lê là học cái khái quát trước, rồi sau đó mới tìm hiểu sâu hơn. Cụ bảo:
“Nhưng có điều này ít độc giả nhận thấy. Trong mỗi môn chính, mới đầu tôi viết một hai tác phẩm dễ hoặc khái quát, rồi ít lâu sau tôi trở lại, mở rộng thêm, đào sâu hơn. Như vậy chính là do khuynh hướng tự học của tôi: biết cái cốt yếu đã rồi sau đi vào chi tiết. Và đó cũng là một sự nhất trí trong cách tôi làm việc”.
(…) Về Triết học Trung Quốc cũng vậy, mỗi ngày tôi đào sâu thêm. Mới đầu là Nho giáo một triết lí chính trị, một cuốn tổng quát về tư tưởng chính trị của Khổng, Mạnh; rồi tới Đại cương triết học Trung Quốc, một bộ cũng tổng quát về triết học Trung Hoa từ thượng cổ tới cuối Thanh.
Sau tôi chuyên về triết học thời Tiên Tần, khảo cứu đời sống và tư tưởng từng triết gia một. Đầu năm 1975, tôi đã cho ra được Nhà giáo họ Khổng, Mạnh Tử, Liệt Tử và Dương Tử, đã viết xong mà chưa in Trang Tử, khởi sự viết chung với Giản Chi về Tuân Tử và Hàn Phi thì miền Nam được giải phóng.
Từ năm 1976 tới nay, tôi đã viết xong Lão Tử, Mặc học, Khổng Tử, Luận ngữ, Kinh Dịch, như đã nói”.
Tuy trong những cuốn viết sau, có đôi chỗ cụ Nguyễn Hiến Lê nhận định không còn giống như lúc viết bộ ĐCTHTQ này nữa[1], hoặc có nhiều câu chữ Hán được cụ dịch lại[2], nhưng trong Hồi kí, như đã dẫn ở trên, cụ bảo rằng Phần I: Vài nét sơ lược về sự phát triển của triết học Trung Hoalà “có thể in riêng vào loại sách phổ thông như loại Que sais je? ở Pháp”, nghĩa là cụ cho rằng phần này vẫn hữu ích, cho nên tôi chép lại dưới đây để chúng ta có cái nhìn tổng quan về Trung triết, và cũng là để cho chúng ta tiện tham khảo khi đọc các cuốn cụ viết riêng hoặc viết chung với cụ Giản Chi về triết học Trung Quốc thời Tiên Tần[3]. Tôi chép theo bản của nhà xuất bản Thanh Niên, cuốn 1, in năm 2004, từ trang 19 đến trang 167. Nguyên văn chữ Hán của các câu trích dẫn đều được in ở cuối sách, trong ebook này, tôi đặt chữ Hán ngay sau phiên âm[4].
Goldfish
Tháng 12 năm 2009
Bổ sung tháng 12 năm 2011
[1] Ví dụ như trong Phần I này, hai cụ Giản Chi và Nguyễn Hiến Lê không nhắc đến tên Liệt tử, nhưng trong cuốn Liệt tử và Dương tử, cụ Nguyễn Hiến Lê lại đặt địa vị Liệt tử ngang hàng với Dương tử. Xem bài Vài lời thưa trước của tôi trong ebook Liệt tử và Dương tử.
[2] Như câu “Nhân chi sinh dã trực; uổng chi sinh dã, hạnh nhi miễn”, ở đây hai cụ dịch là: “Con người sinh ra, vốn ngay thẳng; nếu tà khúc mà sống được là nhờ may mà khỏi chết đó”, và chú thích rằng chữ uổng có sách chép là võng. Trong cuốn Luận ngữ, cụ Nguyễn Hiến Lê chọn chữ võng, và dịch là: “Lẽ sống là phải ngay thẳng, chẳng ngay thẳng mà sống thì may mắn khỏi chết đấy thôi”.
[3] Sau khi hoàn tất tập Hồi kí, cụ Nguyễn Hiến Lê viết thêm bộ Sử Trung Quốc, trong đó, Chương IV: Tư tưởng Trung Hoa thời Tiên Tần, cụ giới thiệu triết học (tiết 1) và văn học (tiết 2) thời Tiên Tần, theo tôi, chương đó cũng “có thể in riêng vào loại sách phổ thông như loại Que sais je? ở Pháp”. Cũng xin nói thêm là trong bộ Sử Trung Quốc, cụ Nguyễn Hiến Lê không nhắc tới tên Liệt tử.
[4] Trong ebook thực hiện lần trước, tôi cho các câu chữ Hán vào phần chú thích.