Chúng ta vò đầu bứt tai lựa chọn câu chữ cho một bức thư quan trọng. Soạn thảo một bản báo cáo có thể khiến chúng ta lâm vào cảnh bí từ không biết viết gì. Thậm chí viết một tấm bưu thiếp cũng buộc đầu óc chúng ta phải tập trung để chọn từ cẩn thận.
Nhưng trong các cuộc đàm thoại, từ ngữ có thể ra khỏi miệng trong khi chúng ta không hề nghĩ tới tác động của chúng lên người nghe. Chúng ta dành nhiều thời gian để nói chuyện với người khác hơn là để viết cho họ, thế nhưng hiếm khi chúng ta dành đủ thời gian để suy nghĩ về những hậu quả từ việc lựa chọn từ ngữ của mình.
Cuốn sách Uốn Lưỡi 7 Lần Trước Khi Nói này đưa ra phương thức thay đổi điều đó.
Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói rút ra những kết luận xuất phát từ những gì tôi đã học được về giao tiếp trong hơn một phần tư thế kỷ làm việc trong giới truyền thông. Nó dựa trên sự nghiệp làm báo của tôi, bắt đầu từ một phóng viên tập sự tại các tờ báo địa phương, sau đó tôi làm quen với phát thanh rồi chuyển sang truyền hình, dẫn các chương trình thời sự và thể thao cho BBC.
Tất cả những công việc đó đã dạy tôi cách viết – cũng như nói và thể hiện trước camera – trong khi luôn để tâm tới phản ứng của khán giả trong mọi việc mình làm. Từ trải nghiệm đó, tôi thành lập một công ty tư vấn truyền thông và đã tư vấn cho nhiều công ty hàng đầu tại Anh về phương thức xử lý việc truyền đạt các đơn hàng mới, việc giới thiệu sản phẩm, các hoạt động công nghiệp, việc đóng cửa nhà máy – và thật đáng tiếc, cả với những đám tang.
Điều này rất có ý nghĩa. Một cách tự nhiên, chúng ta buộc phải để tâm đến những gì chúng ta nói trong giao tiếp xã giao. Nhưng phần lớn các hoạt động giao tiếp của chúng ta trong công việc và vui chơi lại không mang tính xã giao. Và đây chính là nơi các vết rạn bắt đầu xuất hiện.
Vì thế, tôi đã phải đấu tranh như bất cứ ai khác với sự yếu đuối rất con người của mình vốn không ngừng thử thách những gì tôi từng học được – để xác lập xem liệu tôi chỉ khéo hư cấu trong cả cuốn sách của mình hay thực sự đã trải qua chúng. Từ vô số trường hợp tôi đã phạm sai lầm nghiêm trọng – và những lần như thế không hề ít, như các bạn sẽ thấy – tôi rất vui lòng chia sẻ những kinh nghiệm mình có được. Khi hồi tưởng lại, chúng cho tôi biết vào thời điểm nào tình thế trở nên không hay và làm cách nào để sửa chữa. Áp dụng những bài học đó sẽ giúp bạn tránh được những khổ sở tương tự.
Rất nhiều trong số những điều tôi đưa ra chỉ là cách xử thế hợp lý đơn giản. Nhưng phần lớn chúng ta học được chúng từ việc chịu hậu quả của một kinh nghiệm tồi tệ. Vì thế những quy tắc đơn giản tôi gợi ý nếu được sử dụng sẽ giúp các bạn vượt qua nhiều tình huống khó xử với khách hàng, đồng nghiệp, gia đình và bạn bè.
Và trong khi việc thay đổi cách ứng xử của chúng ta là một trải nghiệm chậm chạp, đôi khi rất đau đớn – mặc dù vô cùng cần thiết nếu chúng ta muốn trưởng thành lên, thay đổi cách nói chuyện với người khác là điều có thể làm được ngay lập tức và đem lại nhiều lợi ích. Thực ra, đó là bước đầu tiên cần thiết để thay đổi cách ứng xử.
Mỗi chương sách đề cập tới một mảng khác nhau trong quá trình cải thiện phương thức giao tiếp của bạn, nhưng tất cả đều có liên hệ với nhau. Chẳng hạn, tỏ ra tích cực trong ngôn ngữ của bạn sẽ dẫn tới việc loại trừ các yếu tố tiêu cực ra khỏi cuộc đàm thoại của chúng ta. Việc loại bỏ những từ “làm loãng” thông điệp – những từ như “một cách hợp lý”, “khá là”, “tôi sẽ cố gắng” hay “tôi sẽ làm tốt nhất có thể” – sẽ tăng cường tính cam kết trong thông điệp của bạn.
Lựa chọn đúng từ vào đúng thời điểm ở mọi lúc là điều không thể. Nhưng áp dụng những quy tắc giao tiếp của cuốn sách này rất đơn giản. Nếu như có một quy tắc vàng thì nó đây: Hãy đảm bảo chắc chắn bạn đã động não trước khi nói.
Nhưng điều này cũng tương tự như học cách lái xe. Trước hết, hãy học lý thuyết về Luật Giao thông để hiểu các quy tắc đi đường. Sau đó, đưa các quy tắc vào thực hành. Tất nhiên, đây chính là chỗ sai lầm bắt đầu xảy ra.
Tại sao? Vì vào một thời điểm nào đó Luật Giao thông bị quên lãng. Cũng với việc lái xe, bạn sẽ phải chịu va quệt và trầy xước khi đưa các quy tắc vào thực hành, thường do sự thiếu suy nghĩ của người khác gây ra.
Nhưng hãy kiên nhẫn! Và thực hành các quy tắc mỗi khi có dịp. Thực hành chúng tại các buổi phỏng vấn xin việc, gặp gỡ khách hàng, tại các bữa tối gia đình, với bạn bè và đồng nghiệp. Sử dụng chúng tại chỗ làm, trong quán rượu và cả ở nhà. Sử dụng chúng khi đang trò chuyện với bất cứ ai và với tất cả những người bạn giao tiếp. Càng thường xuyên thực hành những quy tắc này, bạn sẽ càng giao tiếp có hiệu quả. Điều đó sẽ trở thành tự động giống như việc bạn đánh răng hàng ngày. Thực ra, hãy coi cuốn sách này như một thứ bàn chải cho bộ óc của bạn.
Và trên hết, bạn hãy tìm cho mình niềm vui thông qua việc nâng cao kỹ năng giao tiếp của bản thân. Bạn sẽ sớm nhận ra những người khác đang cố sức cạnh tranh với tài năng mới được phát hiện của bạn. Bạn sẽ khám phá ra một “chính mình” hoàn toàn mới. Uyển chuyển. Thuyết phục. Hấp dẫn. Tự tin. Và bạn sẽ hứng thú tận dụng mọi cơ hội để thử thách những kỹ năng mới của mình.