Hiện nay có hai quan niệm về một nền nông nghiệp bền vững trong một hệ sinh thái cân bằng và ổn định: Một là phát triển nền nông nghiệp hữu cơ (dùng toàn phân hữu cơ, giống cổ truyền, biện pháp canh tác cổ xưa…); hai là phối hợp giữa nông nghiệp hữu cơ và các tiến bộ về giống, hoá học, công nghệ sinh học, cơ giới hoá, v.v… có chọn lọc.
Việc lựa chọn phương thức canh tác nào còn phụ thuộc vào nhu cầu cuộc sống, tiềm lực của mỗi quốc gia, song xuất phát điểm trước tiên là phụ thuộc vào mức độ an toàn môi trường tại nơi đó.
Cũng như vậy, trong ngành trồng rau ở nước ta tuy chưa đánh giá chi tiết được mức độ ô nhiễm tại các vùng trồng, nhưng hậu quả cho người tiêu dùng và môi trường do sự lạm dụng các yếu tố hoá học trên thực tế có phần gia tăng.
Để góp phần làm sạch môi trường và nguồn sản phẩm không thể thiếu được trong bữa ăn hàng ngày của mỗi người chúng ta, trong khi chờ đợi ban hành những quy định cụ thể về chất lượng và quy trình canh tác hợp lý cho từng loại cây rau, chúng tôi mạnh dạn biên soạn tài liệu này dựa trên nhiều nghiên cứu gần đây của các nhà chuyên môn, kinh nghiệm sản xuất của nông dân, kết hợp tham khảo tài liệu của những tổ chức quốc tế đã đi trước về vấn đề này.
Chúng tôi xin ghi nhận sự quan tâm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học – Công nghệ và Môi trường, Sở Khoa học – Công nghệ Môi trường Hà Nội và một số tỉnh, thành khác đã tạo điều kiện cho các nghiên cứu của nhiều đồng nghiệp và của chúng tôi để có căn cứ hình thành cơ sở khoa học cho nội dung cho cuốn sách nhỏ này.
Đây là vấn đề mới, rất phức tạp, cần kiến thức tổng hợp của nhiều chuyên ngành và cũng vì thời gian có hạn nên trong biên soạn khó tránh khỏi thiếu sót. Chúng tôi mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp của bạn đọc trong và ngoài ngành và của người sản xuất để tài liệu được hoàn chỉnh hơn.
T/M nhóm tác giả
PGS.TS. Trần Khắc Thi
Viện nghiên cứu rau quả