Rất nhiều người cảm thấy hoài nghi về Bát tự học: “Chỉ tám chữ mà có thể dự đoán được về cả một đời người? Liệu có thể được hay không?”; “Những người sinh cùng giờ cùng ngày cùng tháng cùng năm có rất nhiều, chẳng lẽ vận mệnh của họ đều giống nhau hay sao?”; “Khi xảy ra những tai họa lớn, khiến hàng nghìn, hàng vạn người cùng chết trong một ngày, có phải trong Bát tự của họ cùng ẩn chứa một loại thông tin?”; “Nếu Bát tự thần kỳ như vậy, tại sao thầy xem mệnh không xem cho bản thân mình trước, tại sao lại nghèo đến mức chỉ biết sống dựa vào xem mệnh?”…
Trước những vấn đề như vậy, liệu có thể đưa ra một đáp án ổn thỏa hay không? Thực ra đáp án không nằm trong tám chữ này, mà là trong số lượng tổ hợp của tám chữ. Mặc dù Bát tự chỉ có tám chữ, nhưng chúng có thể tổ hợp thành 500.000 loại mệnh cục, lại nhân lên với hai loại giới tính, tổng cộng có thể suy ra 1 triệu dạng mệnh cục khác nhau. Vì vậy Bát tự học rất phức tạp, nhưng lại có thể tính toán rất chi tiết.
Mặt khác, nhập môn Bát tự học rất đơn giản, thậm chí ngày nay không cần học kiến thức cơ bản, chỉ cần nhập thời gian sinh, giới tính, địa điểm sinh vào các trang web trực tuyến, có thể nhanh chóng nhận được là số Bát tự rất chính xác. Sắp xếp Bát tự, đại vận, lưu niên, chỉ là bước đầu của việc tính toán, tiến hành phân tích sau đó mới là công đoạn khó khăn: Làm cách nào để biết được tình trạng giàu nghèo và chức vị cao thấp ra sao? Làm thế nào để phán đoán về các tầng cách cục của Bát tự? Làm cách nào để phán đoán được giai đoạn nào sẽ hành cát vận, giai đoạn nào sẽ hành hung vận, giai đoạn nào hành cả cát vận và hung vận? Nếu như có hung vận và cát vận, sẽ thể hiện ở phương diện nào? Làm cách nào để biết được một người kết hôn, sinh con, gặp họa và mất vào năm nào? Làm cách nào để phán đoán được tình hình cơ bản của cha mẹ, anh em, vợ chồng, con cái…
Để trả lời chính xác những vấn đề này, từ xưa đến nay đã có vô số các thế hệ tiên hiến đã viết sách để lý giải, tìm ra phương pháp lý luận có thể giải mã đời người một cách đầy đủ nhất, điều này đã giúp Bát tự học vượt qua được những phong ba của lịch sử và tồn tại cho đến tận ngày nay. Nhưng mặt khác, điều này cũng dẫn tới sự ra đời của nhiều môn phái, mỗi môn phái lại có học thuyết riêng, khiến cho người đời sau không biết đâu mới là chính xác. Đặc biệt đối với những người mới học, đối diện với nhiều kiểu lý luận Bát tự mâu thuẫn lẫn nhau, thật không biết phải bắt đầu từ đâu.
Đại sư Dịch học quốc tế Lý Cư Minh bằng vốn kinh nghiệm thực tiễn nhiều năm đã tổng kết được một hệ thống phương pháp phân tích Bát tự rất độc đáo, ông bắt đầu từ thiên can địa chỉ cơ bản nhất, tìm ra một con đường khác để biến phức tạp thành đơn giản, với cách nhìn độc đảo, lý luận chuẩn xác, đã được kiểm nghiệm qua thực tiễn. Quan trọng hơn cả là phương pháp này đơn giản thực dụng, không cần phải có quá nhiều kiến thức cơ sở đã có thể nhanh chóng nhập môn, phù hợp với quy luật Dịch học”đạo lý sâu nhất lại đơn giản nhất”, điều này khiến con đường nghiên cứu Bát tự trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Lần giở cuốn sách này, bạn sẽ cảm thấy dòng mạch nội dung của cuốn sách rất dễ dàng, sáng sủa, giúp bạn nhanh chóng nắm bắt được những nội dung chủ chốt và ứng dụng ngay vào thực tế một cách thuận lợi.
Sáng kiến lớn nhất của cuốn sách này đó là cách định nghĩa hoàn toàn mới về thiên can địa chi. Từ khái niệm thiên can địa chỉ đơn giản nhất có thể nhận được những thông tin quan trọng nhất: Chương thứ nhất chia 12 địa chi thành ba loại để giải thích về đời người; chương thứ hai lần lượt giới thiệu về mười thiên can, xuất phát từ một góc độ khác để chia con người thành mười loại. Nếu như học hết những kiến thức này mà bạn vẫn chưa hài lòng, có thể tìm hiểu sâu hơn về sự kỳ diệu của Bát tự trong những chương tiếp theo: thân cường – thân nhược, phú quý – nghèo hèn, bình an – tai họa, bản thân – người thân, sự nghiệp – tình cảm… Tất cả những người, việc, vật liên quan tới bạn đều có thể nhìn thấy được huyền cơ trong đó. Để độc giả đến gần hơn với thực tiễn, cuốn sách này đã lấy dẫn chứng bằng rất nhiều Bát tự của nhiều người nổi tiếng. Từ trong vận mệnh của họ, chúng ta có thể tìm ra cái bóng của chính mình.
Ngoài ra, cuốn sách này cũng giới thiệu phương pháp vận dụng ngũ hành để cải vận. Lý Cư Minh đã kết hợp lý luận Phong thủy và lý luận Bát tự học, căn cứ vào dụng thần và kỵ thần của Bát tự cùng với thuộc tỉnh ngũ hành của sự vật, để chọn những vật có lợi cho mình, tránh những vật gây bất lợi, phương pháp cụ thể được nêu ra trong ví dụ về Bát tự của các danh nhân. Đây là nghiên cứu rất có ích cho việc phát triển Bát tự học lên một tầng cao mới.