Với quyển sách Tử Vi Nghiệm Lý Toàn Thư của Cụ Thiên Lương này chắc chắn rằng quí vị cũng sẽ say sưa với những lý giải thâm sâu, với lối hành văn tuy cô đọng nhưng bóng bẩy, ví von, với những tiết mục nói về nhân quả luân hồi, về hai chữ tài thọ, về đào hồng, tam hóa liên chau, về oan trái nghiệp quả của hình riêu không kiếp và vòng tràng sinh mà đã có một thời các nhà hâm mộ tử vi hải ngoại tranh luận kịch liệt qua hội thảo và trên mặt báo chí Trắng Đen, Hồn Việt, Tập San Nghiên Cứu Tử Vi … chắc quí vị sẽ thích thứ khi tìm thấy những phát kiến mới khắp nơi những bái của cụ, về những cơ cấu chặt chẽ liên hệ của tinh đẩu hình hại, tinh đẩu đối cung và tinh đẩu nhị hợp, chúng ta sẽ thấy rõ hơn về cái bản thể của mỗi người, thấy rõ khoa tử vi không phải là một khoa huyền bí mà là một khoa có bố cục tinh vi, linh hoạt, không tà thuật, mê hoặc.
Đôi nét về Cụ Thiên Lương:
Cụ Thiên Lương có tên là Lê Quang Khải, sinh ngày 12-07 -1910 nhằm ngày 06 tháng 06, giờ mão trong một gia đình nho giáo tại làng Phượng Lau, tỉnh Hưng Yên Bắc Việt. Thân phụ cụ lúc đó là một nhà địa lý có tiếng tại tỉnh nhà, anh ruột cụ cũng nổi danh về môn dịch lý vào thời kỳ 1950 -1963 tại Sài Gòn dưới danh hiệu Đẩu Sơn.
Cụ Thiên Lương bắt đầu nghiên cứu Tử Vi từ năm 18 tuổi, nhưng bao phen cụ chán nản bỏ cuộc và không tin môn học cổ này, nhưng rốt cuộc cụ quay trở về với nó và thành công rực rỡ. Cụ Thiên Lương chủ trương môn tử vi nghiệm lý có nghĩa là những khám phá mới của cụ muốn cho các độc giả nghiên cứu, chiêm nghiệm với thời gian để ứng xem đúng sai.
Một vài nội dung của sách:
Mọi sinh vật sống trong vũ trụ đã được nhận định theo luật âm dương. Cây cỏ cũng có hoa đực hoa cái, côn trùng con kiến cũng có con cái con đực, cho đến vật dụng hàng ngày hầu như cũng dị biệt giữa đực và cái . Luật âm dương chi phối vũ trụ mọi sự sinh hoạt . Không gian đã có thiên là phải có địa . Thời gian càng chịu ảnh hưởng nhiều hơn .
Đã có mùa đông giá lạnh, phải có mùa hạ nóng hầm, mùa xuân ấm tươi, phải có mùa thu dịu tàn. Âm dương là tinh thần, phần vật chất là ngũ hành, Thiên can là dương, Địa chi là âm. Thiên can có ngũ hành của Can, Địa chi có ngũ hành của Chi. Ngũ hành của Can có cái dương và cái âm. Địa chi cũng vậy . Âm dương ngũ hành của Can có 10 chữ rất rành mạch. Nhưng địa chi sao lại 12, thấy trội dư 2 cái Thổ (1 dương và 1 âm).