Tư duy như chiến lược gia nhật bản
Trong hằng hà sa số sách kinh doanh hiện tay, tại sao cuốn sách Tư duy của chiến lược gia (The Mind of the Strategist) lại là một cuốn sách phải đọc? Hãy cùng nhìn lướt qua cuốn sách. Đây là một cuốn sách về nghệ thuật kinh doanh Nhật Bản, đất nước đã sản sinh ra Sony, Toyota, Panasonic, Honda, những cái tên đã quá quen thuộc và từng đánh bại cả những gã khổng lồ Mỹ trên thương trường. Tác giả là Kenichi Ohmae, cộng sự cao cấp của McKinsey & Company, một trong những công ty tư vấn danh giá nhất trên thế giới. Cuối cùng, cuốn sách này nằm trong danh sách 100 cuốn sách kinh doanh hay nhất mọi thời đại. Có lẽ, chỉ cần vậy đã đủ để độc giả mở cuốn sách ra ít nhất một lần. Và có lẽ, cũng chỉ cần một lần đó là đủ để độc giả đọc hết cuốn sách vì thật khó có thể gấp lại khi bắt đầu mở trang đầu tiên. Có gì hấp dẫn trong cuốn sách này đến vậy?
Đầu tiên, cuốn sách của Kenichi Ohmae đã đưa ra cách tiếp cận và đối phó với mọi điều mang tính bản chất mà không mấy cuốn sách khác làm được. Ông cho rằng khi đối mặt với một vấn đề, một xu hướng, một sự kiện hay một tình huống, hãy phân tách nó ra thành từng phần nhỏ, nắm vững hay giải quyết từng phần nhỏ đó, sau đó ghép chúng lại theo hướng có lợi cho mình. Khi làm như vậy, chúng ta không những có thể hiểu được cốt lõi vấn đề, từ đó đề ra giải pháp mà còn không bị sợ hãi hay choáng ngợp trước những thứ dường như có vẻ to lớn và nằm ngoài khả năng của chúng ta. Ông cũng xác định rõ mục tiêu của chiến lược là đem lại những điều kiện thuận lợi cho bản thân, tức là chọn đúng nơi để đánh, chọn đúng thời điểm để tiến công hay rút lui, đánh giá và tái đánh giá khi tình huống thay đổi. Từ đó, ông kết luận, phân tích, quá trình tư duy biến một vấn đề phức tạp thành nhiều phần nhỏ hơn để hiểu hơn về nó, là bước khởi đầu cốt lõi của tư duy chiến lược, thói quen phân tích sẽ giúp tư duy trở nên linh hoạt và có thể đưa ra phản ứng thực tế trước những tình huống liên tục thay đổi. Đây chính là yếu tố tạo nên một chiến lược gia thực sự.
Tiếp theo, Kenichi Ohmae nhấn mạnh bước đầu tiên của chiến lược là đặt đúng câu hỏi. Nếu câu hỏi sai, tất nhiên đáp án có đúng cũng vô nghĩa. Ví dụ, khi công ty đang phải đối mặt với hiện tượng chi phí gia tăng do làm thêm giờ, nó sẽ phải hỏi câu hỏi nào để tìm ra đúng căn nguyên của vấn đề? “Chúng ta nên làm gì để giảm thời gian làm thêm?” hay “Chúng ta có đủ nhân viên không?” hay “Nhân viên của chúng ta có đủ kỹ năng cần thiết để hoàn thành công việc mà không cần làm thêm giờ không?” Mỗi câu hỏi này sẽ đưa đến một giải pháp khác nhau, từ đó quyết định xem vấn đề có được giải quyết triệt để hay không. Có thể thấy ngay rằng chúng ta nên trả lời câu hỏi thứ ba trước, rồi đến câu hỏi thứ hai và cuối cùng là câu hỏi đầu tiên. Tuy nhiên, đa số các công ty lại chỉ luôn tập trung vào câu hỏi đầu tiên mà không hề suy nghĩ. Rõ ràng, mặc dù việc đặt đúng câu hỏi là rất quan trọng nhưng nó không hề dễ dàng, để làm được điều đó, các công ty cần phải sáng tạo và không đi theo lối mòn của người khác một cách mù quáng.
Cuối cùng, tác giả đề cập đến 4 cách để đạt được lợi thế cạnh tranh với chi phí hợp lý. Đó là tái phân bổ nguồn lực, khai thác điểm mạnh tương đối, hành động táo bạo và tự do hành động. Về cơ bản, ông cho rằng công ty nên tìm ra và tập trung nguồn lực vào một hoặc hai yếu tố cốt lõi tạo nên thành công của các doanh nghiệp trong ngành, điểm mạnh của công ty so với đối thủ cạnh tranh, liên tục hỏi “tại sao?” đối với mọi thông lệ trong ngành và hoạt động trong những lĩnh vực công ty được tự do hành động. Làm được như vậy, các công ty sẽ chiến thắng.
Đây là cuốn sách cần phải có trên giá sách của bất kỳ ai đã, đang và sẽ bước chân vào con đường kinh doanh, đặc biệt là ở Việt Nam hiện nay. Chúng ta đang đứng trước cơ hội rất lớn để làm giàu và vươn ra thế giới, thế nhưng, chúng ta luôn bị những khó khăn, cả hữu hình và vô hình, cản trở. Những người chưa kinh doanh thì luôn tưởng tượng ra những điều xấu để từ bỏ. Những người thất bại thì thường bị sự to lớn bên ngoài của vấn đề làm cho sợ hãi. Những người làm ăn lớn thì lại có xu hướng đầu tư dàn trải. Những người thực sự có thể đưa Việt Nam ra toàn cầu lại vấp phải thách thức quá lớn. Bất cứ khi nào gặp khó khăn, hãy luôn làm theo ba điều trên, phân tách vấn đề từ lớn thành nhỏ, đặt đúng câu hỏi, tập trung nguồn lực, hành động táo bạo và tự do, như vậy thì không chướng ngại vật nào trở nên quá lớn đối với bạn hay công ty của bạn.
Tham khảo thêm:
Nguồn: Downloadsachmienphi.com